Sa mộc còn gọi là cây sa mu, thuộc họ hoàng đàn, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta nhưng nhiều nhất là ở cao nguyên đá Hà Giang-vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc. Cây thân gỗ thẳng tắp, cành tỏa hình nón. Ngoài thân gỗ có giá trị cao trong đời sống, nhờ bộ rễ khỏe, cây còn rất hiệu quả trong việc giữ đất. Những nét nghĩa gốc ấy được nhà thơ đưa vào trường ca và nâng thành biểu tượng về người chiến sĩ biên phòng ngày đêm bảo vệ biên cương.
 |
Bìa cuốn trường ca "Sa mộc".
|
Trong sáng tác, việc chọn biểu tượng đích đáng để làm bật toát ra chủ đề tư tưởng là một thành công. Ở tác phẩm này, sa mộc là cây nhưng cũng là người lính: “Dặm dài miền dã sử/ Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi/ Vạm vỡ tiêu binh miền phên giậu/ Khảm trời xanh chí khí quật cường/ Sa mộc gom gió thành lời yêu khiến lòng núi, lòng người thôi khắc khoải”.
Hình ảnh người lính biên phòng được nhà thơ khắc họa đậm chất thơ: “Con gặp lại tuổi bình minh trong lớp trẻ hôm nay/ Những mười chín đôi mươi, những non tơ khát vọng/ Quân hàm xanh/ Lấp lánh sao trời sau phiên gác”. Câu cuối đa nghĩa, thật gợi: Vừa là ngôi sao trên “quân hàm xanh”, vừa là ngôi sao trời lúc bình minh đổi gác. Lại có thể hiểu ánh bình minh chiếu vào ngôi sao trên vai người lính lấp loáng như sao trên trời. Hiểu theo nghĩa nào thì hình tượng người lính cũng được nâng lên ngang tầm vũ trụ.
Nhà thơ trao điểm nhìn cho người lính tự kể về mình gắn liền với trách nhiệm lớn lao: “Lớn vội vàng cho thanh tân Tổ quốc”. Có nhiều hình ảnh thơ rất gợi: “Sa mộc treo vầng trăng khuyết tuổi giữa đêm rằm”. Một câu thơ nhưng miêu tả cả một bức tranh vũ trụ có cảnh nền là bầu trời đêm rằm, cận cảnh là cây treo vầng trăng khuyết. Vầng trăng như chơi vơi giữa hai miền không gian gần xa, hư thực...
Không chỉ cây sa mộc và anh lính biên phòng mà cả nhân dân các dân tộc, cả từ núi non cao đến mỗi ngôi nhà thân thương đều như những người lính tiền tiêu bảo vệ đất đai Tổ quốc: “Trên dọc dài đất nước đã qua/ Núi uốn thang mây nhớ những đôi vai chung chiêng địu đá sỏi dựng cột cờ vạn thuở/... Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương/ Mỗi nếp nhà một chồi canh đứng đợi/ Đêm biên thùy ký thác hừng đông”. Cả thiên nhiên cũng tham gia giữ nước: “Giặc đến đây mưa chuyển thành dông tố/ Nắng bạc nắng vàng hóa lò sấy thiên nhiên”.
Ý thơ gieo niềm tin vào lòng Tổ quốc: Những dải đất biên cương là những dải thành đồng che chắn, giữ gìn cho đất nước vẹn nguyên, hòa bình, hạnh phúc. Trên những con đường của miền hiện tại, theo dòng tâm tưởng trường ca đưa bạn đọc ngược về mạch nguồn sử thi: “Đường núi sớm dạy ta thần thoại/... Đường rừng chiều dạy ta huyền tích/ Về quả bầu sinh ra người Xá, người Thái, người Lự, người Lào/ Vỏ bầu ít hóa người Dao, Mèo quản núi cao.../ Hạt bầu nhiều thành người Kinh xuống khai khẩn đồng bằng” để đi đến một khẳng định, một chân lý chắc chắn: “Người Việt mình là cây chung gốc”.
Trường ca “Sa mộc” dài gần 1.000 câu thơ, chia thành các chương: Miền biên dã; Ký thác; Thang trời; Mưa giêng hai; Gối đầu lên ban mai; Mở núi. Tác phẩm có kết cấu đa dạng, phóng khoáng, linh hoạt, vang vọng âm hưởng sử thi.
Câu thơ, thi liệu, nhịp điệu cấu trúc theo nguyên tắc tái hiện cụ thể một hiện thực hay sinh động hóa một ý tưởng. Miêu tả đường núi khúc khuỷu, câu thơ ngắn, đi nhịp nhanh. Kể về huyền thoại xưa, nhịp thơ dàn trải mênh mang, câu thơ dài ra như muốn vươn về thuở xa xôi cổ tích. Đây là một trường ca về hình tượng Tổ quốc giàu cả về ý tưởng, nội dung và thi pháp.
Tự thân biểu tượng luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian được bồi đắp, tích lũy thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Biểu tượng cây sa mộc này sẽ trở thành “mẫu gốc” để những thế hệ sáng tác tiếp theo kiến tạo nên những biểu tượng mang những ý nghĩa mới. Đó là thành công mà trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh đã mang đến cho đời sống thi ca về đề tài Tổ quốc hôm nay.
NGUYÊN THANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.