Phóng viên (PV): Nhiều người nói rằng, những cuốn sách đầu đời rất quan trọng với người cầm bút. Ông có thể kể lại kỷ niệm về những cuốn sách dẫn ông đến với con đường văn chương?
Nhà văn, nhà báo Phan Quang: Những cuốn sách tôi yêu thích đầu tiên là sách tôi được học, được đọc tại nhà trường. Tôi mê đọc sách từ bé và may mắn là có cơ hội được đọc sách khá nhiều. Trước năm 1945, thế hệ mới lớn chúng tôi học trường tiểu học Pháp-Việt, chủ yếu học qua tiếng Pháp. Trong tủ sách nhà trường có loại “Sách hồng” như loại sách của NXB Kim Đồng dành cho trẻ con bây giờ. Người Pháp chủ trương đưa sách vào học đường cho học sinh đọc thêm, nâng cao kiến thức. Thư viện nhà trường sắp xếp sách theo độ tuổi, rất thú vị và bổ ích. Tôi nhớ mãi truyện “Hai đứa bé đi vòng quanh nước Pháp” kể chuyện hai em bé đi thăm các danh thắng, gặp gỡ nhiều người dân Pháp, cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích bao niềm mơ ước, tưởng tượng cho con trẻ. Lớn lên tôi mới hiểu thực chất cuốn sách khơi gợi lòng yêu nước của trẻ em, bởi vào thời điểm cuốn sách ra đời, nước Pháp vừa mất hai tỉnh ở đông bắc vào tay người Đức. Sau này, tôi có dịp sang thăm nước Pháp nhiều lần, đến nhiều nơi, tôi càng xúc động nhớ lại những cảnh và người được miêu tả trong cuốn sách thời thơ ấu.
Không chỉ trường học, gia đình cũng là môi trường giúp tôi tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học. Dòng họ tôi vốn có truyền thống Nho học, coi trọng học vấn. Mấy tháng nghỉ hè, tôi mượn những cuốn sách đóng bìa cứng rất đẹp từ thư viện riêng của người anh họ làm trợ giáo. Tôi đã sớm đọc nguyên tác “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas, rồi “Thần thoại Hy Lạp-La Mã” bản rút gọn dành cho trẻ em, và ấn tượng bởi trường ca “Iliad” của Homer..., đọc say sưa dù chưa thể nhận ra còn có những gì đằng sau câu chuyện về con ngựa thành Troy.
 |
Nhà báo, nhà văn Phan Quang (hàng đầu, đứng giữa) và cán bộ, nhân viên Hội Nhà báo Việt Nam.Ảnh: SƠN HẢI. |
Lớn lên một chút, tôi tập viết tản văn, truyện ngắn. Đến ngày tham gia hoạt động cách mạng, rồi trở thành anh “cán bộ thoát ly”, lúc nào tôi cũng có bên mình cuốn sổ tay để ghi chép và tập viết văn. Từ những ngày vùng địch hậu Bình Trị Thiên tôi đã tập viết truyện và có lần được giải thưởng về truyện ngắn của Hội Văn nghệ tỉnh Thừa Thiên. Năm 1948, tôi được điều ra vùng tự do Liên Khu IV. Chắc do cấp trên đánh giá tôi có chút khả năng viết lách, lại vào lúc Báo Cứu quốc Liên khu IV đang cần người, cho nên điều tôi về làm báo.
PV: Vừa làm báo vừa viết văn liệu có khó khăn không thưa ông? Ông quan niệm thế nào về tương đồng và khác biệt giữa hai loại hình này?
Nhà báo, nhà văn Phan Quang: Thời kỳ công tác ở Báo Nhân Dân sau ngày ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội (tháng 10-1954), tôi được giao lần lượt nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Trưởng ban Nông nghiệp, Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Xây dựng Đảng... Tôi tự lượng sức mình học hành dang dở, chưa được đào tạo bài bản về nghề báo nghề văn, nay nếu cứ ôm mãi mộng vừa làm báo chí vừa làm văn chương thì không đủ sức nên tập trung vào công việc báo chí.
Về mối quan hệ giữa báo chí và văn chương, tôi nhớ năm 1954, Tổng Bí thư Trường Chinh, một nhà báo lớn đến thăm Báo Nhân Dân, dặn chúng tôi là viết báo phải đúng, kịp thời nhưng còn phải viết sao cho “tươi”. Viết báo cho đúng, cho kịp thời là điều hiển nhiên. Còn viết cho “tươi”, tôi nghĩ đó là mình phải viết cho hay, sinh động, gợi cảm. Như vậy, khi viết báo ta có thể đưa chất văn vào một số thể loại báo chí để cho bài báo không quá khô khan. Tôi yêu văn chương, muốn khởi nghiệp bằng văn chương nhưng cuộc đời buộc tôi dấn thân vào nghề báo. Tôi đành gắn bó với văn chương qua việc thể hiện ít nhiều chất văn trong một số tác phẩm báo chí của mình.
Tôi nghĩ báo chí với văn chương như hai đứa con cùng một mẹ. Người mẹ ở đây là ngôn từ. Văn học ra đời từ xa xưa, khi chưa có chữ viết, báo chí ra đời muộn hơn nhiều, và hai loại hình đi hai con đường khác biệt. Văn chương sáng tạo hư cấu bằng tư duy hình tượng, báo chí phản ánh thực tế qua tư duy logic. Dù vậy trong thực tế, giữa báo chí và văn chương từ xưa đến nay vẫn có sự giao thoa, khó phân chia thể loại thật rạch ròi. Có những tiểu thuyết tư liệu vừa là báo đậm tính thời sự, vừa đậm chất văn qua cách thể hiện; hay như thể loại bút ký báo chí mà thiếu chất văn chương ắt khô khan, khó hấp dẫn người đọc. Trong đời sống báo chí và văn chương nước ta từ trước đến nay, có biết bao người viết văn, viết báo đều giỏi. Không nên quá nhấn mạnh chuyện phân biệt loại hình, nhất là trong thời đại ngày nay, báo chí và văn chương hội tụ, tương hỗ nhau, kết nối nhau, chung sức lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc và của toàn nhân loại.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm bí quyết nghề nghiệp để viết báo cho hay?
Nhà báo, nhà văn Phan Quang: Hồi trẻ, tôi chịu ảnh hưởng nhiều bậc đàn anh vừa giỏi viết báo vừa giỏi viết văn như Hải Triều, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân... Lúc mới về công tác ở Báo Nhân Dân, tôi được sự giúp đỡ của các nhà văn lớp trước như Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài... Người làm báo hay viết văn bao giờ cũng phải học. Học suốt đời, có định hướng, học qua sách báo, qua trải nghiệm thực tế, qua học tập đồng nghiệp, bạn bè...
Ngoài ra, tôi còn phải học các nhà văn, nhà báo nước ngoài. Dịch đối với tôi là một cách học lối người ta viết. Khi mới vào nghề báo, tôi gặp tác phẩm “Bút ký chiến tranh” của nhà thơ Xô viết Konstantin Simonov qua bản dịch tiếng Pháp. Tôi chọn bút ký “Mùa hè thứ ba” dài chừng 70 trang chuyển ngữ sang tiếng Việt, qua đó học cách nhà thơ viết bút ký chiến tranh. Ít lâu sau, tôi gặp bút ký “Từ sông Volga đến sông Đông” của nhà văn Xô viết khác nổi tiếng về truyện diễm tình Konstantin Paustovsky. Lần ấy, ông đi thực tế, viết về chuyện làm thủy lợi dẫn nước sông vào tưới vùng đất thuộc sa mạc Karakum, biến thành nơi khô cằn thành những cánh đồng trồng bông dệt vải. Tôi nhận ra chủ đề dù có khô khan, nhưng nếu ta biết cách viết thì tác phẩm vẫn có thể hấp dẫn.
PV: Nhắc đến chuyện dịch thuật, ông là dịch giả tác phẩm kinh điển “Nghìn lẻ một đêm”, đến nay tái bản hơn 40 lần. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập”. Dường như đây là một “dự án” dịch thuật được chuẩn bị từ rất nhiều năm?
Nhà văn, nhà báo Phan Quang: Từ hồi trẻ con tôi đã thích “Nghìn lẻ một đêm”. Lớn lên tôi nghĩ: Tại sao ta không dịch tác phẩm cuốn hút mà bổ ích này, để những đứa trẻ như tôi ngày trước được sống trong thế giới cổ xưa thơ mộng, được dịp tiếp xúc một nền văn minh khác hẳn nền văn minh của mình? Tôi ký hợp đồng với Nhà xuất bản Văn học về việc dịch bộ “Nghìn lẻ một đêm” từ năm 1973, nhưng do công việc làm báo hồi đó cần dồn sức cùng toàn dân chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên tạm gác lại. Phải chờ đến năm 1981 bộ “Nghìn lẻ một đêm” mới in lần đầu. Ngay đợt đầu phát hành ba vạn bản sách bán hết veo, in nối bản ba vạn cuốn nữa cũng bán hết luôn. Nhờ được bạn đọc yêu thích, bản dịch tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh và tái bản nhiều lần từ đó đến nay.
Khi bắt tay dịch “Nghìn lẻ một đêm”, tôi thấy mình không thể không tìm hiểu nền văn minh A Rập. Quan điểm về dịch thuật của tôi là: Dịch là sáng tác lại nguyên tác bằng tiếng mẹ đẻ; người dịch phải trung thành với nguyên tác, phản ánh được nền văn hóa đằng sau tác phẩm ấy; trong quá trình chuyển ngữ phải đạt hai yêu cầu: Trung thành với nội dung nguyên tác và nhuần nhị về tiếng Việt. Tôi cố gắng tối đa để người đọc tiếp cận một nền văn minh thoạt nghe đã thấy xa lạ, mà vẫn có cảm cảm giác gần gũi thân thương với mình.
PV: Văn chương là loại hình nghệ thuật quan trọng trong đời sống văn hóa. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về sáng tác văn chương hiện nay?
Nhà văn, nhà báo Phan Quang: Nói văn chương là nói văn hóa. Mà đã thuộc mặt trận văn hóa thì phải lấy việc xây dựng con người làm nhiệm vụ trung tâm. Tôi mạo muội nghĩ dường như trong đời sống văn chương ngày nay ở nước ta, bên cạnh nhiều tác phẩm hay đã xuất hiện một số sách, nhất là sách dịch tác phẩm nước ngoài kém chất lượng, thiếu tính nhân văn; dường như có một số người dịch sách để kiếm tiền, để cầu danh là chính; có người chọn những tác phẩm từng có thời hút khách nhưng nay đã bị người ta quên lãng từ lâu làm cái mới của nước mình. Chúng ta cần nhận thức sứ mệnh cao quý của văn chương, trước hết và trên hết là góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, phục vụ đất nước, nhân dân chứ không đơn thuần nhằm giải trí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)