Có những hình bóng luôn ở mãi trong tim ta, dù thời gian có phôi pha thì hình bóng ấy vẫn luôn ở đó, vững chãi như thành đồng. Hình bóng ấy trong tôi chính là ông nội.
Ông nội tôi làm nghề thợ may, chuyên may áo bà ba cho các cụ. Ngày nhỏ, mỗi lần ông cắt đến phần cổ áo là thể nào tôi cũng chực chờ nhón ngay miếng vải thừa hình trái tim gấp cất vào hộp diêm để hai chị em chơi đồ hàng làm chăn đắp cho em bé. Biết chị em tôi thích nên mỗi lần cắt ông đều để dành lại trong ngăn kéo cho chúng tôi. Khoảng trời tuổi thơ tôi có lẽ đẹp nhất là những kỷ niệm bên ông nội.
 |
Ảnh minh họa: Lovepik |
Thuở bé, bố mẹ tôi ở cùng mảnh đất với ông bà nội. Nhà tôi và ông bà cùng chung khoảng sân. Ở góc sân, ông nội tôi trồng một cây táo ta, năm nào cũng sai trĩu quả. Vì thế, những trưa hè chạy nhảy chán chê, chúng tôi kéo nhau về gốc táo của ông chơi bán đồ hàng. Thỉnh thoảng quả táo rụng xuống, mấy đứa lại tranh nhau bỏ ngay vào miệng rồi cười khanh khách. Có những quả táo chưa kịp chín đã bị lũ trẻ chúng tôi chọc xuống ăn. Quả táo non nên còn nhớt và chát xít, thế mà đứa nào đứa nấy tranh nhau. Khi ấy, ông chỉ đứng ở nơi cửa nhìn ra, ánh mắt hiền từ rồi mắng yêu chúng tôi. Mỗi khi các bà trong xóm đến lấy áo, ông lại hái mấy quả táo, cẩn thận bọc vào túi để biếu các bà. Sau này, khi đã là cô sinh viên đi học xa nhà, mỗi dịp về quê, tôi luôn dành thời gian ngắm nhìn cây táo trĩu quả, ngắm những chiếc lá táo non xanh mướt và được trò chuyện cùng ông.
Mỗi lần gặp chuyện buồn, tôi thường tâm sự với ông và luôn nhận được những lời động viên ấm áp: “Cuộc sống có nhiều điều không được như ý mình, đôi khi cháu sẽ gặp những người hoặc những việc không vừa ý khiến cháu nản lòng hoặc thất bại. Nhưng nếu cháu nuôi dưỡng một trái tim nhân ái, bao dung, một ý chí không lùi bước thì nhất định những việc ấy sẽ nhanh chóng qua đi và cháu sẽ có tương lai tốt đẹp”.
Đã 22 năm tôi xa vắng khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hiền từ của ông. Ngày ông mất là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của một người thân trong gia đình. Xa ông, nhưng tình cảm và những lời chỉ dạy của ông đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để ngày càng trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống hôm nay.
TƯỜNG VY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Hiếm có hiệu trưởng nào được học sinh trìu mến gọi là “ông nội” như thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). Câu chuyện về người thầy giáo từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống và giàu lòng nhân ái đã trở thành hình ảnh đẹp về sự tận tụy cùng tình yêu thương vô bờ dành cho thế hệ trẻ.
Ông nội tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh khi bố tôi vừa tròn 2 tuổi. Khi nhận tin con trai mình hy sinh, cụ tôi vì quá đau buồn mà đốt toàn bộ di ảnh, kỷ vật liên quan đến ông. Bà nội tôi chỉ kịp giữ lại thứ duy nhất - ấy là Giấy báo tử. Vì thế, cũng như bố, tôi không biết mặt ông nội mình. Tất cả chỉ qua tưởng tượng từ lời kể của bà nội.