Những ngày tháng Năm lịch sử, cờ hoa rực rỡ trên khắp phố phường thủ đô Hà Nội, hướng tới ngày hội non sông - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, và đặc biệt chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Trong giai điệu rộn ràng của nhịp sống tươi mới, chúng tôi bồi hồi xúc động lắng nghe những lời ca tha thiết của ca khúc “Nụ cười tháng Năm” của nhạc sĩ Xuân Thủy, từ một góc phố nhỏ, nằm cạnh trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Lời ca như bày tỏ nỗi niềm của triệu triệu trái tim con dân Việt hướng về người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới-Hồ Chí Minh. "Tháng Năm thênh thang đất trời ngập nắng. Tỏa sáng cánh sen bừng nở, rực rỡ tung bay cờ hoa. Phút giây bồi hồi non sông thống nhất, nhìn ruộng đồng mênh mông bát ngát, trên con tàu ra Bắc vào Nam… Bác vẫn đâu đây trong hồn sông núi, đóa hương sen muôn vàn kính yêu. Mãi đọng lại trong ta nụ cười, nụ cười rạng rỡ Tháng Năm thêm nhớ Bác".
“Nguyện hát mãi ngàn năm ơn Người”
Trong một dịp tình cờ, chúng tôi được gặp và lắng nghe những chia sẻ của Đại tá, NGƯT, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về bài hát “Nụ cười tháng Năm”, một trong những sáng tác mới được đánh giá cao trong các tác phẩm viết về Bác những năm gần đây.
Nhạc sĩ Xuân Thủy sáng tác “Nụ cười tháng Năm” năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động các sáng tác mới về Người, anh đã đăng ký tham gia, với những nỗi niềm chất chứa trong lòng dành cho vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
 |
Đại tá, NGƯT, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. |
Trước đó, Xuân Thủy đã có nhiều tác phẩm thành công viết về Bác Hồ, trong đó phải kể đến các bài hát nổi tiếng như “Nhớ Bác”, “Việt Bắc nhớ làng Sen”. Nhưng anh luôn trăn trở về sáng tác mới về Người, mà bản thân thấy tâm đắc và ưng ý nhất. Anh chia sẻ: “Từ trước đến nay, có rất nhiều nhạc sĩ viết hay về Bác Hồ. Đó là thử thách và áp lực đối với các sáng tác mới. Cá nhân tôi luôn mong muốn tìm tòi những cách nhìn riêng về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ý tưởng bài hát “Nụ cười tháng Năm” xuất hiện thật tình cờ, vào một buổi sáng nhân dịp lễ 30-4 và 1-5 năm ngoái. Ý tưởng xuất phát từ cảm xúc lớn lao và đầy niềm tự hào trong dịp đất nước kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất (1975-2020), 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2020) và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2020). Bài hát ca ngợi công lao của Bác, nhưng không kể chi tiết, bởi không thể nói hết thành lời. Và để có độc lập tự do, non sông thống nhất và có cuộc sống hòa bình như hôm nay, chúng ta ghi tạc công ơn của Người.
Từ ý tưởng này, tác giả đã hình tượng hóa và đặt tên cho bài hát là “Nụ cười tháng Năm”. Ý nghĩa chủ đạo là ca ngợi độc lập, tự do và thống nhất đất nước, nói về cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Lời ca được xem là một cách nhìn mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Bài hát được thể hiện theo hình thức hợp xướng, âm nhạc phóng khoáng, thoải mái và mang lại sự mới mẻ và tạo giai điệu hòa bình. Trong bài có câu “Nhớ công ơn báo người ngã xuống cho hôm nay độc lập, tự do. Trời tháng Năm như trong hơn, xanh hơn. Bác vẫn đâu đây trong hồn sông núi… Tháng Năm ta nhớ Bác”, nhạc sĩ xúc động nói.
Nhạc sĩ Xuân Thủy cho biết thêm, anh cảm thấy vinh dự vì sau đó được nhà thơ nổi tiếng Lê Cảnh Nhạc góp ý về phần lời, và nhạc sĩ Đỗ Bảo chuyển soạn thành bài hợp xướng rất thành công. Bài hát “Nụ cười tháng Năm” sau khi ra đời đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán thính giả trong cả nước.
Ngày 17-5-2020, trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nụ cười tháng Năm” của Xuân Thủy là một trong những tác phẩm viết về Bác trong giai đoạn mới được chọn biểu diễn, cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng của các nhạc sĩ nổi tiếng toàn quốc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Cá nhân tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào, vì “Nụ cười tháng Năm” là tác phẩm mới sáng tác duy nhất được chọn vào chương trình nghệ thuật lớn, trong một sự kiện trọng đại của đất nước về Bác Hồ”, Xuân Thủy chia sẻ.
 |
“Nụ cười tháng Năm” là tác phẩm đặc sắc viết về Bác trong giai đoạn mới. Ảnh minh họa |
Trong một sáng tác trước đó là bài “Nhớ Bác”, nhạc sĩ Xuân Thủy đã thể hiện một góc nhìn khác. Đó là tình cảm của những người nghệ sĩ nhớ về Bác, “là cảm xúc về chặng đường Bác lãnh đạo nhân dân ta giải phóng đất nước và kháng chiến giành độc lập, thống nhất, nhưng khi toàn thắng rồi thì Bác đã đi xa”. Đó còn là nỗi niềm chan chứa về hình ảnh “Bác ngồi đó giữa mênh mông núi rừng Việt Bắc, thuốc cháy trên môi như đốt cháy nỗi lòng”, hay “suốt cuộc đời chỉ một ước mơ, mong cho non sông hòa bình, cho Nam Bắc một nhà”.
Vậy cho nên, Xuân Thủy đã giãi bày nỗi lòng của biết bao con người: “Ngày thống nhất Bác dù đã xa, nhưng trong ta vẫn mãi vẹn nguyên dáng vóc một tượng đài, một tấm gương còn soi sáng trong muôn triệu trái tim mãi mãi. Mùa thu đến nhớ Bác nhiều hơn. Xin nguyện dâng câu hát lòng con. Nguyện hát mãi ngàn năm ơn Người”.
Bài hát “Nhớ Bác” của nhạc sĩ Xuân Thủy sau đó được ca sĩ Vũ Thắng Lợi của Đoàn Văn nghệ Quân khu 2 biểu diễn rất thành công và giành Huy chương vàng trong hội diễn toàn quân năm 2014.
Ấp ủ những sáng tác mới về Bác
Trong bài “Việt Bắc nhớ Làng Sen”, nhạc sĩ Xuân Thủy tiếp tục khắc họa thành công hình ảnh đầy xúc động khi Người trở về nước, về chiến khu Việt Bắc, nhưng chưa thể về thăm quê hương Làng Sen. Vì Bác còn lo xây dựng căn cứ kháng chiến để giải phóng dân tộc.
Đó có lẽ là nỗi niềm chia sẻ của cá nhân tác giả nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung đối với những hy sinh riêng tư mà cao cả của Bác, khi mang trong lòng tình cảm sâu nặng với nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vì việc nước mà chưa thể về thăm nhà.
 |
Nhạc sĩ Xuân Thủy luôn ấp ủ những sáng tác mới về hình tượng Bác Hồ. |
Cho nên, lời bài hát chứa chan tình cảm của tác giả: “Ngày Bác ở chiến khu giữa mênh mông rừng Việt Bắc, nơi lán nhỏ đơn sơ che nắng che mưa, che từng cơn gió. Nỗi nhớ về Làng Sen, nỗi nhớ về quê mẹ. Sau bao năm xa cách, muốn về thăm mà chưa được”. Vậy nên, “nay quê hương còn chia nỗi nhớ”, Bác mang trong lòng “nỗi nhớ về Làng Sen từ chiến khu” và “mong non sông một dải, sạch bóng quân thù”.
Theo nhạc sỹ Xuân Thủy, viết về Bác mang đến một điều rất thiêng liêng và thật nhiều cảm xúc đặc biệt. Nhiều góc cạnh đã được khai thác để viết về Bác, trong đó góc cạnh lớn nhất là tình cảm và tấm lòng của Bác đối với đồng bào.
Đối với văn nghệ sĩ, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt. Sinh thời, Bác căn dặn các văn nghệ sĩ rằng: “Văn hóa cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Từ đó cho thấy niềm tin lớn lao của Người dành cho các văn nghệ sĩ. Đó chính là tư tưởng, thông điệp lớn của Người về sứ mệnh của văn nghệ sĩ, và là kim chỉ nam đối với những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Xuất phát từ đó, nhạc sĩ Xuân Thủy cho biết, anh luôn ấp ủ và mong muốn có nhiều sáng tác mới về Bác Hồ. Anh thường xuyên suy nghĩ, trăn trở về điều đó, đồng thời thôi thúc những khát vọng cống hiến cho nghệ thuật “vị nhân sinh”. Đặc biệt, người nhạc sĩ tài ba luôn cố gắng tìm những góc độ thật mới về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để cho ra đời những tác phẩm xứng tầm trong tương lai.
Bài và ảnh: MINH TUẤN