Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng với các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm sân khấu hóa dân ca ví, giặm, từ đó xây dựng môn nghệ thuật kịch hát dân ca đặc sắc. Song song với đó, Trung tâm xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa có nội dung sâu sắc vừa đậm chất nghệ thuật, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa xứ Nghệ.

Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về dân ca ví, giặm. 

Trung tâm không ngừng mở rộng hoạt động quảng bá qua các liên hoan, hội thi trong nước và quốc tế, đồng thời tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trung tâm còn đóng vai trò cầu nối văn hóa thông qua các chương trình giao lưu quốc tế, mang dân ca ví, giặm đến gần hơn với bạn bè năm châu. Trong những năm qua, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã đạt được nhiều thành công trong các cuộc thi và liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.

Các tác phẩm nghệ thuật do Trung tâm dàn dựng đã gặt hái nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia. Đáng chú ý, vở diễn “Thầy và trò” đã giành huy chương vàng tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2022, vở “Cánh cò trong bão” và Chương trình nghệ thuật “Sắc” cũng đoạt huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đặc biệt, Chương trình “Thanh âm miền ví, giặm” giành huy chương vàng tại Liên hoan âm nhạc ASEAN, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của dân ca ví, giặm.

Hằng năm, Trung tâm tổ chức khoảng 150 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tới người dân. Trung tâm cũng tổ chức các chuyến biểu diễn giao lưu văn hóa, quảng bá văn hóa dân ca xứ Nghệ đến các nước bạn, góp phần thắt chặt tình hữu nghị và nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Việt Nam.

Sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương thành lập thêm 59 câu lạc bộ dân ca, nâng tổng số câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh lên 151. Các câu lạc bộ này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển phong trào hát dân ca trong cộng đồng. Hằng năm, Trung tâm tổ chức 5 lớp tập huấn về dân ca ví, giặm cho giáo viên và các câu lạc bộ. Các chương trình truyền dạy cho học sinh cũng được triển khai để giới trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống.

Nói về những định hướng phát triển trong tương lai, nhạc sĩ Trần Quốc Chung, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cho biết: “Cốt yếu phải tìm mọi phương cách đưa dân ca ví, giặm phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện nay. Đơn vị mong muốn được tham gia cùng các đoàn công tác ngoại giao của các cấp để tuyên truyền, quảng bá dân ca ví, giặm đến cộng đồng quốc tế. Tiếp tục tổ chức xây dựng, hướng dẫn hoạt động cho hệ thống câu lạc bộ dân ca ví, giặm nhằm thu hút ngày càng nhiều người tham gia thực hành di sản”.

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.