Đừng níu nữa, hãy để mùa đông về ngủ hiền hòa phía ấy. Núi thương lắm những ngôi nhà thông thốc gió, vách rách bần bật run ru đêm, chưa lần dỗ dành nổi những cơn chiêm bao chập chờn, trong chật chội tấm chăn cũ mèm, trên mặt sàn thưa thểnh chỉ duy manh chiếu xơ sờn lót suốt bốn mùa.

Núi thương lắm mỗi sớm mai lên, cái lạnh lại lần riết thân thể tím tái của bọn trẻ. Một, hai manh áo mỏng, mặc đến cáu bẩn đổi màu mà chẳng dám cởi ra cho mẹ giặt. Thương đôi chân cha lập cập theo con trâu già trên luống cày gằn gộc, từng bước đi run rẩy đất khô. Thương những đêm mẹ ngồi xòe tay che gió trên vách rách, loay hoay giữ mép chăn, kéo bên này, giằng bên nọ, xin gió đừng lùa vào giấc mơ lũ nhỏ…

leftcenterrightdel
 
Sớm ấy, gió hiền và nồng hơn trên ngọn lau phơ phếch khoe tuổi, mưa phùn lưa thưa, líu ríu vương tóc quen. Cây mận già đầu dốc ngập ngừng đặt những nụ chum chúm tinh khôi đầu tiên vào sương mai ngỏ lời Xuân vội. Mẹ gánh Chạp xuống chợ phiên, đổi lấy Giêng về cho ấm nương, ấm núi.

Chợ chật thêm một nụ cười...

Rồi những buổi chợ tan, mẹ lại gánh giao mùa trên đôi vai biết hát ngược đồi. Niềm vui mỗi ngày ít ỏi về theo. Khi cùng chai nước mắm, bữa thì bó miến dong, lần túi chè, gói kẹo... Mỗi ngày gom thêm từng ít ỏi. Căn sàn xôn xao, náo nức đợi Xuân về.

Có một sớm mai... Từ chợ trở về, tay mẹ ngập ngừng chìa chiếc áo mới cho đứa nhỏ. Nhìn những đứa khác mắt rưng rưng, tay xoa xoa, miên miết lên mảnh vá xơ xờn, lòng mẹ chợt như bông lau già bị gió quật xé tơi. Mẹ quay mặt ra bếp lửa, hong nước mắt vào khói. Mẹ chẳng thể chia đều chiếc áo mới như chia đều yêu thương cho bầy nhỏ.

Một sớm mai khác, núi thức dậy ngỡ ngàng trong tiếng gà gọi vội. Dưới bản, khói mọc ra ngun ngún từ những giàn lửa lớn, lửa ngả nghiêng cùng gió trong vũ điệu bình minh. Tiếng chày giã bột bánh cùm cụp, hòa lẫn tiếng nói cười của những người đàn bà quanh năm giấu mặt vào vách đá. Tiếng lợn kêu eng éc, át cả tiếng hô reo của những người đàn ông con trai đang quây quanh lửa, chuẩn bị giết mổ lợn để chia phần thịt đem về treo bên bếp nhà mình. 

Lại một sớm nữa, ngoài bờ suối tấp nập, nào gánh soong, nồi, rá, mủng, nào troi bát đũa, kẹp lá dong, được bày chật bờ để kỳ cọ, rửa mới. Gái bản tay thoăn thoắt, miệng nói nói, cười cười, xôn xao như gọi mùa vào hội, gọi chiều ba mươi tràn xuống từng bếp lửa, làm thơm nồng mùi rượu nếp, thơm mùi xôi nương, mùi hương trầm và mùi của đất đang trở màu trong mưa phùn ngoài rẫy, quện vào gió, phả hòa hương hoa mận thơm ngọt đất trời. Vào đêm, mẹ và bầy trẻ ríu rít bên bếp ấm, nhìn lửa múa, lắng tiếng khấn lởi bên bàn thờ tổ tiên, những lời cha trầm ấm thiêng liêng. Lòng ai nấy yên bình.

Khuya muộn, gió đã hiền từ ngoài hiên, mơn trớn như yêu thương nhắn vách phên ủ ấm giấc chiêm bao bầy trẻ. Cha ngồi mân mê quả còn cũ, hát mẹ nghe câu Xường thuở còn hò hẹn. Mẹ nhìn cha, ánh nhìn ngày nắng mênh mông. Ngọn đèn dầu hoan hỉ, nghiêng ngả vờn tia vàng theo từng mũi kim, đang điềm nhiên luồn qua thân vải rách, vẽ những đường chỉ diệu kỳ trên mảnh vá. Mấy chiếc áo chiều nay giặt vội, mẹ đã kịp hong khô trên mắt than hồng, nghĩ đến sáng mai khi thức dậy, mặc những chiếc áo có mảnh vá xinh xinh còn mới nguyên đường chỉ, còn thơm nồng mùi khói, lũ trẻ sẽ cười phai nguôi tủi hờn. Mẹ mỉm cười. Những ngón tay thoăn thoắt đường kim...               

Một sớm mai, mùa xuân mang nụ cười gieo khắp đất trời, tràn qua thung, ngập đầy bản nhỏ. Sau bữa cơm ngày Xuân có xôi, có thịt, có bánh... lũ trẻ hồn nhiên để nguyên những đôi môi bóng nhễ khoe nụ cùng hoa đào ngoài nương, rồi tung tăng chạy theo cha về phía có tiếng cồng chiêng vấn vít điệu Xường. Sớm ấy mùa xuân hát, bài hát hứa hẹn những sớm mai đầy nắng trên đồi.

Tản văn của THY SƯƠNG