Độ 9, 10 giờ, nắng chiếu vào làm sương vỡ ra lóng lánh như ngọc. Đó cũng là thời điểm ở quê, ngày cuối năm, mẹ bắc nồi bánh chưng nấu để chiều tối có bánh cúng tổ tiên... Thơ hay là nhờ những chi tiết mang tính phát hiện. Với lính biên phòng chúng tôi, bắt gặp những chi tiết ấy thì tâm đắc lắm, vì không chỉ đúng với thực tế, còn đúng với tâm trạng.

Thơ Hoàng Quý còn những chi tiết mà chỉ một chữ làm mới cả không gian: “Cuối năm gặp giữa Hoàng Liên núi/ Anh lính biên phòng chưa nghỉ ngơi/ Vài ba giờ nữa là năm mới/ Rừng thắp đào lên khắp núi đồi” ("Ghi ở Hoàng Liên núi"). Những chàng lính biên phòng ngờ nghệch mười chín, đôi mươi chúng tôi chỉ thấy xuân đến thì hoa đào nở rất đẹp. Có cả triền núi dài mấy cây số bừng nở sắc hoa đào, nắng chiếu vào như có ánh lửa rất đẹp. Đêm cũng vẫn đẹp. Cả không gian sáng rực như có lửa vậy. Nhưng chỉ nhà thơ mới có cách dùng chữ tài tình: “Rừng thắp đào lên khắp núi đồi”. Chúng ta nói “thắp lửa” để cho ánh sáng, thi sĩ nói “thắp đào”, có nghĩa là rừng hoa đào tạo ra ánh sáng cho cả vùng.

     Bìa tập thơ "Đi bên mùa lá rụng", một trong những tập thơ của Hoàng Quý. 

Không chỉ vậy, thơ Hoàng Quý khá ấn tượng ở mảng viết chiến tranh. Thơ hay phải đạt đến độ ám ảnh. Có nhiều kiểu ám ảnh, Hoàng Quý có lối đi riêng: “Khi chiến tranh đi qua đời cha/ Mỗi sợi tóc một câu chinh phụ” ("Khi chiến tranh đi qua"). “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm nổi tiếng chống chiến tranh của văn hóa Việt, vọng về rồi lắng đọng, làm bạc cả mái đầu người lính già. Phải hiểu “Chinh phụ ngâm”, phải hiểu văn hóa, phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh chia ly, đau khổ, mới có câu thơ ấy!

Quê ở vùng trung du Phú Thọ, 16 tuổi Hoàng Quý đã khai tăng lên hai tuổi để vào lính, chiến đấu ở nhiều mặt trận Trường Sơn. Hòa bình, anh trở về quê hoạt động văn hóa với công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa cổ truyền thời Hùng Vương nhưng để tâm sâu hơn về văn hóa Mường. Cũng là lẽ tự nhiên, có năng khiếu văn chương cộng với vốn sống thời lính trận và vốn văn hóa dày dặn, anh làm thơ. Anh viết nhiều chủ đề, trong đó để lại dấu ấn riêng rõ hơn cả là viết về chiến tranh và người lính, nhưng vẫn rõ một đặc trưng là luôn dựa trên nền tảng văn hóa cổ truyền. Thơ anh giản dị nhưng sâu sắc của người từng trải, có cái dằn vặt, thấm thía của người hiểu đời, nhất là chiêm nghiệm về sự mất mát ngay trong một gia đình mà anh là con út: “Tôi đếm từng anh, tôi đếm từng chị/ Mâm sum họp thừa chiếc bát và đôi đũa/ Anh mãi không về để chịu tang cha” ("Có một tuổi thơ tôi").

Đi ra từ chiến tranh nên anh nhạy cảm với nỗi mất mát. Lên chơi đèo Pha Đin nhưng nỗi lòng thì hướng về những người đã khuất. Họ ngã xuống mà vẫn chưa tìm thấy mộ: “Những chàng trai trấn thủ/ Kéo súng lên Mường Trời/ Biết bao người nằm lại/ Nằm ở đâu rừng ơi” ("Viết trên đèo Pha Đin"). Thăm chiến trường xưa, nhớ về đồng đội cũ từng sống chết cũng là lẽ thường tình, với Hoàng Quý, từ sự liên tưởng hai chiều thời gian bật ra những câu day dứt: “Đồng đội tôi giờ thưa thớt cả/ Đứa cấy ruộng quê/ Đứa tất tả thị thành/ Tôi chỉ muốn gào to trước cánh rừng xưa cũ/ Có ai về mắc võng với tôi không?” ("Gọi người").

Năm nay đã vào độ tuổi 70 nhưng người lính già ấy vẫn có một phong thái trẻ trung. Trong khi thơ anh thì già dặn, nhiều ưu tư khi viết về hôm qua. Anh vẫn viết như trả nợ đồng đội đã nằm xuống để mình còn sống. Thơ anh nhiều khi thảng thốt, giằng xé: “Con hạc trắng từng đêm vỗ cánh/ Cứ từng đêm kêu bạc cả đường trời” ("Xin tạ lỗi người"). Đó là anh nhớ về chiến trường xưa, nhớ về đồng đội đã mất và đang sống!

THANH TÚ