Nhà văn-chiến sĩ, nhà văn quân đội là nét độc đáo của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bởi không phải nước nào cũng có văn nghệ bộ đội và không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đông đảo và khỏe khoắn như của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Ấy là một "lực lượng đặc biệt” của quân đội; đồng thời cũng là lực lượng gạo cội trong đội ngũ nhà văn cách mạng Việt Nam, những người đã góp phần chính yếu tạo nên mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng-mảng sách đồ sộ nhất, sáng đẹp nhất và tạo dựng nhân vật người lính-một trong những nhân vật trung tâm của văn học hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Hơn 1.000 hội viên nhà văn chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam thì có tới quá nửa đã từng hoặc đang còn mặc áo lính; đồng thời trong số họ cũng có không ít tên tuổi là hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong số những nhà văn này, nhiều người đã trải qua một thời “ngày Bắc, đêm Nam” đầy nhiệt huyết nhưng cũng biết bao là nhớ nhung, thương mến. Nói tới những nhà văn miền Nam tập kết, không thể không nhắc tới nhà thơ Thanh Tịnh và nhà văn Nguyễn Thi-một nhà văn lão thành và một nhà văn liệt sĩ - Anh hùng LLVT nhân dân.
Thanh Tịnh (1911-1988) tên khai sinh là Trần Văn Ninh, sau đổi là Trần Thanh Tịnh, quê ở thành phố Huế, từng làm nghề dạy học, đo đạc ruộng đất, hướng dẫn viên du lịch, viết báo, làm thơ. Sau Cách mạng Tháng Tám, Thanh Tịnh tòng quân, tham gia kháng chiến, phụ trách văn công quân đội, làm báo, viết văn trên Chiến khu Việt Bắc, rồi về tiếp quản Thủ đô (1954), tham gia Ban Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập) tạp chí cho đến nghỉ hưu. Ông còn là một “nhà thơ tiền chiến” tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tác phẩm của Thanh Tịnh để lại không thật đồ sộ, nhưng ông được người đời gọi là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ. Là nhà văn bởi ông có các tập truyện ngắn "Ngậm ngải tìm trầm" (1943) và trước đó là tập "Quê mẹ" (1941). Là nhà thơ bởi ngay từ năm 1937, lúc mới 26 tuổi ông đã cho in tập thơ "Hận chiến trường" nổi tiếng và đến năm 1942 được ghi danh trong sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân với những thi phẩm nổi tiếng như "Mòn mỏi", "Tơ trời và tơ lòng"... Ông còn để lại cho đời rất nhiều câu ca dao bất hủ như: Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau; Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một gốc là con một nhà... Cả cuộc đời Thanh Tịnh là cuộc đời “ngày Bắc, đêm Nam” như ông tự bạch: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân...
Và cả cuộc đời nhà thơ đã cống hiến cho văn nghệ và báo chí cách mạng. Suốt một thời gian dài ông gắn bó với “phố nhà binh” (Lý Nam Đế, Hà Nội) Thanh Tịnh đã sống đến những ngày cuối đời tại mảnh đất Thủ đô và mất vào ngày 17-7-1988. Đến mùa hè năm 1991, ông đã được những anh em đồng đội ở “Nhà số 4” đưa về an nghỉ dưới chân núi Thiên Thai, phía Tây thành phố Huế như ước nguyện của nhà thơ lúc sinh thời: Thống nhất sớm, tôi về Văn Lâu/ Thống nhất lâu, tôi về Văn Điển! Sau ba năm lưu luyến với Thủ đô, nằm ở Văn Điển, ông đã về với “quê mẹ”, về với Huế mộng và thơ!
Tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội muộn, khi ấy ông đã thôi không làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập) nhưng vẫn ở trong doanh trại, vẫn “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Tôi biết, từ Tết năm 1947, Tết đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến đến hết đời người, ông chưa được một lần ăn Tết với gia đình mà chỉ ăn Tết cùng đồng đội, đồng nghiệp. Tối 30 lập bàn thờ trong phòng làm việc (cũng là nơi ở) nơi “phố nhà binh”, có bánh chưng, có mâm ngũ quả, và trầm thơm suốt ba ngày Tết. Năm 1975, cả nước hòa bình thống nhất, Thanh Tịnh vẫn sống ở Hà Nội đón Giao thừa một mình và ăn Tết với anh em nhà văn “nhà số 4” chúng tôi. Bà Bích Đào-vợ ông trong Nam đã đi lấy chồng từ khi ông bà “đứt liên lạc”, Nam-Bắc cắt chia. Anh Trần Thanh Vệ-con trai, đã yên bề gia thất sống tận Nha Trang và con gái Trần Mê Linh (Mỹ Lý) định cư ở nước ngoài từ trước năm 1975. Vẫn đủ cả, và bản thân dù đã trút áo quân nhân, về hưu nhưng nhà thơ chỉ mỗi năm về quê thăm đôi lần rồi đi... đi như chuyến đi năm nào-mùa đông năm 1946!
Một lần, được tin Thanh Tịnh ốm nặng, nhà văn Đỗ Chu vừa từ Bắc Ninh xuống sang ngay nhà thăm. Lâu ngày đôi bạn một già một trẻ mới gặp nhau, chuyện trò vui vẻ đến nỗi Thanh Tịnh như khỏe ra. Ông gượng dậy lấy rượu mời Đỗ Chu và câu chuyện thêm vui, thêm cả buồn lẫn lộn. Nghe Thanh Tịnh nói về cuộc đời phiêu bạt, đơn côi của mình, Đỗ Chu thương lắm. Là người biết ít chữ Hán, chữ lại đẹp, anh bèn cầm cây bút dạ viết luôn câu: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân tặng nhà thơ già. Thanh Tịnh trân trọng treo câu thơ đó lên tường sát chỗ giường nằm...!
Sinh thời nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn-Nguyễn Thi cũng có thời gian ở số 4, phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tấn sống nội tâm, ít nói ít cười và hay thức rất khuya, để viết để nghĩ? Nghĩ viết chắc đều đăm đắm về miền Nam-nơi còn bời bời máu lửa chiến tranh, nơi có người vợ trẻ và đứa con gái vừa sinh mà nhà văn chưa biết mặt...! Khi trở lại chiến trường miền Nam, Nguyễn Ngọc Tấn lấy bút danh là Nguyễn Thi (tên người con trai của ông đang sống ở Hà Nội) và công tác tại Cục Chính trị Quân Giải phóng, tham gia sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng; mở các lớp dạy ca cải lương, dạy hát, dạy vẽ và tổ chức các trại viết văn. Tranh thủ thời gian giữa các công việc nghiệp vụ, ông xông xáo đi về các địa phương để nắm tình hình thực tế. Đó là các chuyến đi về Long An, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Củ Chi... Rồi lần lượt viết những tác phẩm: Người mẹ cầm súng, Những sự tích ở đất thép, Ước mơ của đất và nhiều truyện ký khác. Mấy tác phẩm còn viết dở được công bố sau khi ông mất: Ở xã Trung Nghĩa, Cô gái đất Ba Dừa, Sen trong đồng... Quyển Ước mơ của đất về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh đang còn viết dở thì Nguyễn Thi theo Tiểu đoàn 6 tham gia Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 vào Sài Gòn và hy sinh. Phần mộ của ông hiện vẫn chưa tìm được!
Nguyễn Ngọc Tấn, theo như nhà văn Thanh Giang-một người bạn rất thân thiết của ông-là người “sinh Bắc, lớn Nam”. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày15-5-1928 ở làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lên 9 tuổi, cha ông mất, năm sau mẹ đi bước nữa. Học hành dở dang, năm 15 tuổi, ông vào Sài Gòn ở với người anh cùng cha; 17 tuổi gặp Cách mạng Tháng Tám 1945 tham gia Đội du kích cảm tử, rồi tòng quân chiến đấu. Những năm kháng chiến chống Pháp, đơn vị ông liên tục chiến đấu ở nhiều tỉnh Đông và Tây Nam Bộ, truy kích địch sang cả Cam-pu-chia. Tập kết ra Bắc ở Tiểu đoàn 301, làm cán bộ chính trị... Và năm 1956, ông được điều về Tổng cục Chính trị, tham gia Ban Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là hội viên thế hệ sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 5-1957).
Những kỷ niệm về nhà văn-liệt sĩ anh hùng ấy có kỷ niệm riêng và chung, buồn và vui lẫn lộn. Và, bên cạnh những dòng đoạn về văn nghiệp của nhà văn lại có những chuyện nhỏ về đời thường của ông-một đời thường tưởng như êm đềm, lãng mạn mà biết bao là bão gió, biết bao là nỗi đắng cay, dang dở-nửa đoạn, nửa đời dường như là tất cả: Gia đình, sự nghiệp, công danh...
Và, sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan đơn vị liên quan, đặc biệt là sự chung tay của nhiều đồng đội, đồng nghiệp, nhất là những người bạn chiến đấu năm xưa của ông, ngày 22-11-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2164/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 7 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ca (nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Ngọc Tấn), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Tấn-Nguyễn Thi đã để lại không chỉ những tác phẩm lớn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà còn là một bài học về nhân cách của người cầm bút, của thái độ sống và viết. Nguyễn Thi là vậy! Sống hết mình, viết và chiến đấu cũng vậy. Nhắc đến Nguyễn Thi, người đọc không thể không nhớ đến tác phẩm Người mẹ cầm súng viết về chị Út Tịch với câu nói một thời đã trở thành câu cửa miệng: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Giống như câu nói của chị Út Tịch, Nguyễn Thi đã chiến đấu trên tư cách nhà văn cầm súng đến hơi thở cuối cùng. Ông là một nhà văn-một anh hùng!
NGÔ VĨNH BÌNH