Vì những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu là những sản phẩm tinh thần đặc thù, độc đáo, đặc sắc, có giá trị cao quý về văn hóa, mang tính kết tinh tâm hồn, tư tưởng, tính cách dân tộc. Cho nên sứ mạng cao cả của văn nghệ sĩ là tạo ra những giá trị văn hóa không chỉ cho dân tộc mà còn cho cả nhân loại. Thời buổi hội nhập hôm nay, người ta gọi những giá trị ấy là những sứ giả văn hóa tin cậy và trung thành nhất vì thể hiện rõ bản sắc, là gương mặt văn hóa trong hành trình gắn nối và gắn kết dân tộc này với dân tộc khác. Gia tài thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, tranh Bùi Xuân Phái, nhạc Trịnh Công Sơn… là những sứ giả để văn hóa Việt giao lưu, hội nhập với văn hóa nhân loại.

Thế nên lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ là lao động đặc biệt, luôn phải vượt lên trên hoàn cảnh, vì người nhưng quên mình: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay (Phạm Tiến Duật) là như vậy. Do đó, văn nghệ sĩ rất cần được hỗ trợ cả về mặt vật chất và tinh thần để có thể yên tâm hơn trong công việc sáng tạo nhọc nhằn. Việc Nhà nước ta vừa thông báo chính thức sẽ hỗ trợ cho văn nghệ sĩ cả nước khoảng 90 tỷ đồng/năm và sẽ xây nhà xã hội cho một số văn nghệ sĩ còn khó khăn là việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ phù hợp với đặc trưng sáng tạo của văn học nghệ thuật, mà còn phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống của phần lớn giới văn học nghệ thuật hiện nay.

Trước hết là ý nghĩa tác động, thúc đẩy. Đó không chỉ là giá trị vật chất mà cơ bản hơn, là giá trị tinh thần động viên văn nghệ sĩ gắn bó, đam mê, tâm huyết với thiên chức sáng tạo đặc thù.

Còn là ý nghĩa nhân văn, là biểu hiện sự công nhận, là niềm tin và mối quan tâm của cả xã hội với những đóng góp đặc biệt của văn nghệ sĩ. Mỗi tài năng nghệ thuật như một cây xanh cần cù hút dưỡng chất từ mảnh đất văn hóa dân tộc và nhân loại, được tưới thêm nước mát sự quan tâm, lòng tin tưởng của Nhà nước và xã hội sẽ nhanh nở hoa và kết trái tác phẩm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hôm nay xuất hiện một khái niệm mới là “kinh tế học văn hóa”, nghiên cứu văn hóa từ góc độ kinh tế, làm kinh tế bằng văn hóa, như đầu tư tài chính cho quảng bá văn hóa, trùng tu di sản để thu hút khách du lịch… Nhìn từ góc độ này thì việc làm trên còn mang ý nghĩa kinh tế, một cách đầu tư hiệu quả, thiết thực cho văn hóa và cả kinh tế.

Có thể khẳng định, sự quan tâm kể trên là một cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đáp lại niềm tin và ân tình ấy, thiết nghĩ, các văn nghệ sĩ sẽ quyết tâm hơn nữa trong lao động sáng tạo để có được những tác phẩm mới giá trị mang tính tư tưởng nghệ thuật cao vì sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Trong sáng tạo nghệ thuật, vấn đề chủ thể luôn mang tính quyết định, có nghệ sĩ lớn mới có thể có tác phẩm lớn. Nhân dân ta đang chờ đợi những tác phẩm lớn là sự kết tinh của văn hóa dân tộc và nhân loại, là tiếng nói lương tâm của cách mạng và thời đại, là hơi thở của cuộc sống hôm nay-từ các văn nghệ sĩ.

NGUYÊN THANH