Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, nhà thơ Lữ Mai đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về dự án đặc biệt, được thực hiện với mong muốn chia sẻ yêu thương, tạo nguồn động lực để động viên, hỗ trợ trẻ em vùng cao đến trường. 

 Phóng viên (PV): Trường ca “Lũ” của nhà thơ Lữ Mai (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) do Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka phát hành đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là một trong những cuốn sách nổi bật năm 2024. Đây là lần đầu tiên một cuốn sách điện tử được xướng tên trong hạng mục này, đánh dấu bước chuyển mình của văn học trong thời đại công nghệ số và sự ghi nhận kịp thời. Cảm xúc của chị ra sao khi tác phẩm mà mình dành nhiều tâm huyết để thực hiện được vinh danh?

Nhà thơ Lữ Mai: Tôi thật sự xúc động bởi tác phẩm không chỉ là sự nỗ lực của cá nhân, mà quan trọng hơn là có sự đồng hành của đội ngũ làm sách và cộng đồng.

Đặc biệt hơn, kể từ khi có hạng mục này đến nay, thì đây là cuốn sách điện tử đầu tiên được vinh danh. Có lẽ, nhiều người sẽ càng bất ngờ khi biết rằng, giữa tháng 11-2024, chúng tôi mới ký kết hợp tác và tháng 12-2024 đã có phát hành tác phẩm trên nền tảng số.

Đóng góp ban đầu của sách điện tử cho thấy giá trị văn học luôn được giữ gìn và phát huy, cùng sự thay đổi về phương thức truyền tải nhằm bắt nhịp đời sống, tiếp cận với đông đảo độc giả hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhà thơ Lữ Mai. 

PV: Trường ca “Lũ” có phải là cầu nối giữa văn học và cộng đồng?

Nhà thơ Lữ Mai: Tôi nghĩ rằng sự kết nối giữa văn học và cộng đồng là rất cần thiết.

Chính đời sống, cộng đồng đã cho tác giả nguồn dữ liệu, cảm xúc dồi dào để sáng tạo, thì tác phẩm cũng phải mang tinh thần vì cộng đồng. Thông qua tác phẩm, tôi luôn mong muốn tạo ra một không gian để người đọc có thể cảm nhận, chia sẻ và thấy một phần của mình trong đó, đồng thời cũng mở ra cơ hội để người viết thể hiện tinh thần, trách nhiệm công dân.

Trước đây, tôi đã có những dự án sách hướng tới giá trị này: Bộ sách “Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi” phát hành ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và hậu phương người lính Hải quân; Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” phát hành ủng hộ kinh phí cho các cựu chiến binh trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội; Trường ca “Hồi sinh” phát hành ủng hộ trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau đại dịch Covid-19.

PV: Dấu ấn trong việc khẳng định vai trò của sách điện tử trong đời sống văn hóa là gì, thưa chị?

Nhà thơ Lữ Mai: Sách điện tử bên cạnh mở ra tiện ích, giúp việc đọc sách trở nên thuận tiện, phong phú hơn, thì còn mang đến cơ hội tiếp cận văn học theo diện rộng.

Dấu ấn phát hành sách điện tử chính là khả năng lan tỏa rộng rãi, xóa nhòa giới hạn, tạo sự chia sẻ, kết nối và nâng cao tính tương tác. Đây là một bước chuyển mình quan trọng, tác động vào quá trình phát triển, lan tỏa văn hóa đọc.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, những năm gần đây, tuy việc chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành đã có thành tựu nhất định, song số lượng và chất lượng sách điện tử chưa đồng đều, chưa được nâng cao; trong các giải thưởng lớn về sách, thì sách điện tử gần như vắng bóng.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra là: Số lượng có đi đôi với chất lượng không? Tại sao các đơn vị xuất bản, phát hành không gửi sách điện tử dự thi? Quy chế các cuộc thi đã điều chỉnh để phù hợp cho sách điện tử chưa? Cụ thể hơn nữa, trong các thể loại, mảng sách văn học dường như bắt nhịp chậm với chuyển đổi số.

Bìa cuốn sách Trường ca “Lũ” .

PV: Trước thềm xuân mới, thông qua Trường ca “Lũ”, chị gửi gắm thông điệp gì với trẻ em đồng bào dân tộc còn khó khăn?

Nhà thơ Lữ Mai: Cuộc sống có thể đầy thử thách, nhưng tôi tin rằng, con người luôn có sức mạnh, lý trí để vượt qua nghịch cảnh.

Quan trọng hơn, không ai đơn độc trong hành trình ấy, bởi cuộc sống luôn có sự đồng cảm, sẻ chia. Công việc làm báo giúp tôi có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, và tôi cho rằng, con người nếu có khát vọng, biết ước mơ và theo đuổi đến cùng, thì khó khăn luôn ở phía sau mình.

Nhà thơ Lữ Mai hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản hơn 20 tác phẩm chính, đa dạng về thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút… trong đó nổi bật có thể kể tới 3 trường ca về các đề tài lớn: “Ngang qua bình minh” (NXB Văn học, 2020) đề tài chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; “Chư Tan Kra mây trắng” (NXB Hội Nhà văn, 2021), đề tài chiến tranh cách mạng; “Hồi sinh” (NXB Hội Nhà văn, 2022) đề tài về đại dịch Covid-19.

Trước đó, tác giả đã có nhiều dự án sách vì cộng đồng: Bộ sách “Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi” phát hành ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và hậu phương người lính Hải quân; trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” phát hành ủng hộ kinh phí cho các cựu chiến binh trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội; trường ca “Hồi sinh” phát hành ủng hộ trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Một số giải thưởng của tác giả: Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới - Hải đảo giai đoạn 1975 - nay, của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca “Ngang qua bình minh”; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016-2020 của Bộ tư lệnh Hải quân cho bộ sách “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”; Giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho tác phẩm “Nơi đầu sóng”; Giải thưởng truyện ngắn của Quỹ Nhà văn Lê Lựu; Giải Nhất cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức năm 2022; Giải Nhì cuộc thi “Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ Công an nhân dân” của Bộ tư lệnh Cảnh vệ năm 2023; Giải thưởng cuộc thi Thơ Huế, Tạp chí Sông Hương; Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn 2024… 

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.