Tôi may mắn quen biết nhà điêu khắc Nguyễn Quang Thu qua họa sĩ Lê Anh (hiện đang công tác ở Báo Quân đội nhân dân), sau một trận bia ven hồ ở khu Bắc Cầu (Long Biên, Hà Nội).
Lê Anh lúc đó bảo tôi: “Anh Thu có tài, mỗi tội ham chơi”.
Chơi thì ai chả thích. Tôi cũng thích. Mà có khi, họa sĩ Lê Anh cũng thích. Có điều, chất chơi của Nguyễn Quang Thu có phần ngông, hoang dại lẫn hoang dã.
 |
Nhà điêu khắc gốm Nguyễn Quang Thu. |
Nguyễn Quang Thu mà đã đắm mình trong thế giới riêng, thì rất khó kéo anh ra khỏi những chất chứa tình cảm.
Bữa đó, tôi có đặt anh bức tượng gốm 4 thiếu nữ. Thôi thì anh bảo với tôi 4 thiếu nữ hiện thân cho xuân, hạ, thu, đông; còn tôi chỉ chốt mong anh nhớ giao tượng cho em đúng hẹn.
Cái hẹn giữa hai anh em là tầm 45 ngày. Và rồi, 55 ngày, 65 ngày trôi qua, tượng đâu vẫn chưa thấy, chỉ thấy Nguyễn Quang Thu vẫn đang rong chơi với đời. Tất nhiên là tầm mấy tháng sau, thì tôi cũng nhận được cuộc gọi của anh: “Trưa mai, anh em làm trận nhậu, để anh giao tượng cho chú”.
Thú thực, lúc đó tôi hơi oải, có phần mất hứng. Ai đời hẹn lâu đến thế thế là…
 |
Tác phẩm “Hạnh phúc”, gốm nung củi, không men của Nguyễn Quang Thu. |
Nhưng khi nhìn thấy bức tượng, mọi sự khó chịu trong tôi lập tức tan biến. Phải nói, bức tượng rất có hồn. Lại được anh em nghệ sĩ thưởng ngoạn nữa thì đúng là tôi (và anh Nguyễn Quang Thu) lãi to. Bình thường, mời anh em qua nhà chơi thưởng ngoạn đồ đã khó, bữa đó hên thế nào, anh em lại bảo bê tượng lên bàn để mọi người cùng bình phẩm.
Tôi không đi sâu vào chi tiết. Chỉ biết có lần, cách đây hơn 10 năm, họa sĩ Lê Thiết Cương, lúc đó là giám tuyển Triển lãm Gốm và người (ở Tràng Tiền, Hà Nội), đã nhận xét về tác phẩm của Nguyễn Quang Thu như sau: “Điêu khắc của Thu là vẻ đẹp của uốn, nặn, chuốt. Thu không chú trọng hình, anh tập trung vào dáng, khi co thắt, lúc nở to, khi căng mọng lúc lại buông lỏng tạo ra một giai điệu gốm với những nhịp tương phản”.
 |
Một góc nhìn của Nguyễn Quang Thu về “Những thiếu nữ thành thị”. |
Tôi hơi tiếc, Noel 2024, tôi may mắn được ngồi giao lưu tại nhà riêng của nhà văn Nguyễn Việt Hà trên phố cổ Hà Nội. Bữa đó anh Lê Thiết Cương cũng sang uống cùng anh em, thì tôi lại quên không nhờ người họa sĩ tài hoa nhận xét mấy lời về nhà điêu khắc gốm Nguyễn Quang Thu.
Nhưng phải thấy là sau những lời phê bình chân thật, nghiêm khắc từ bạn bè, Nguyễn Quang Thu đã bớt ngông, sống thực tế hơn.
Dành thời gian 6 tháng làm việc liên tục tại làng gốm Tân Vạn, Biên Hòa, Đồng Nai, Nguyễn Quang Thu đảm nhận mọi vai, từ khâu làm đất tạo hình đến nung tác phẩm, nghệ sĩ còn tự mình đóng thùng rất kỹ để giao cho đơn vị vận chuyển ra Hà Nội, đến tay những nhà sưu tầm.
Ở vùng đất Tân Vạn, Nguyễn Quang Thu thỏa sức vẫy vùng. Tác phẩm của anh phiêu hơn, bay hơn, có chiều sâu hơn. Sau này, ngẫm lại quãng thời gian anh sống và làm việc ở Bắc Cầu, tôi cứ tự hỏi bản thân: Tại sao trong khuôn viên nhỏ bé đến vậy mà anh vẫn có thể cho ra lò những tác phẩm có hồn đến vậy. Đến đây, tôi lại nhớ họa sĩ Lê Anh tay vuốt vào eo thon-tượng của Nguyễn Quang Thu mà trầm trồ: “Anh chuốt khéo tay quá, nhìn eo thật có hồn”.
Bất giác tôi chợt nghĩ, nếu người họa sĩ-điêu khắc gốm Nguyễn Quang Thu mà rong chơi, rồi mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật đáng yêu như vậy, thì với góc độ cá nhân, tôi sẽ động viên anh tiếp tục hành trình rong chơi với trời, với đất, với gốm, với cỏ cây hoa lá, để hòa mình vào tình yêu. Với anh, phải là chất chứa tình cảm, rồi tình yêu đến mê dại, thì mới đủ sức mạnh giúp tâm trí anh hòa vào tác phẩm.
 |
Nguyễn Quang Thu ở chương trình “Tết 3 miền”, đang diễn ra tại AnVy Art (Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: HỮU TRƯỜNG
|
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tại AnVy Art (Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội) đang diễn ra chương trình “Tết 3 miền”, hội tụ 20 nghệ sĩ (trong đó có Nguyễn Quang Thu), cùng gần 200 tác phẩm nghệ thuật đa dạng, như: Tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic; tượng điêu khắc gốm, đồng, sắt, gỗ... phong phú về kích thước và thể loại.
Mang đến “Tết 3 miền” bộ sưu tập điêu khắc gốm, họa sĩ Nguyễn Quang Thu giới thiệu tới công chúng các tác phẩm gắn với tình mẫu tử, tình yêu, thân phận người phụ nữ... “Bộ sưu tập này tôi sáng tác ở làng gốm Tân Vạn (Đồng Nai). Làng nghề có kỹ thuật nung độc đáo, tạo cho tôi cảm hứng để sáng tác 15 tác phẩm. Điêu khắc gốm là trường phái tôi theo đuổi khoảng 10 năm nay, mang đến cho tôi sự mới mẻ, sức sáng tạo mới đối với nghệ thuật”, Nguyễn Quang Thu chia sẻ.
|
HÀ THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.