Ngày cha mẹ tôi quyết định khai khẩn đất hoang ở ngọn đồi nhỏ sau lưng nhà, mạo hiểm trồng trọt, chăn nuôi, người ta ghé qua vẫn thường bĩu môi rằng đầu tư không đúng chỗ. Và như nhà thơ Hoàng Trung Thông từng viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhờ đôi tay chăm bón cần cù của cha mẹ tôi, ngọn đồi trọc ấy giờ đã phủ lên màu xanh bạt ngàn của dứa. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đổ xuống đất cằn rồi cũng kết thành những mùa quả ngọt. Để khi tiếng ve thao thiết gọi bầy, lòng tôi lại hân hoan đón chào một mùa dứa mới.

 Cữ này, hôm nào thằng út nhà tôi cũng “túc trực” ở nhà chòi nhằm đề phòng kẻ trộm dứa. Khi rảnh rỗi, tôi rất thích được ra chòi canh chơi với nó. Tôi yêu những buổi sáng trèo vắt vẻo lên chòi canh và đưa tầm mắt ra xa ngắm nghía đồi dứa của nhà tôi sáng bừng lên trong ánh nắng. Qua vài đợt nắng, tắm đôi trận mưa, quả dứa cứ lớn dần lên cho đến lúc bằng cái bát rồi ngả màu vàng ruộm. Từ tầm cao của nhà chòi nhìn xuống, những quả dứa chín đồng loạt đẹp như những ngọn đèn đang cháy rực. Có chút xốn xang trào lên trong lồng ngực, đồi dứa năm nay lại may mắn được mùa.

Từ những đêm trước, dưới vầng trăng tròn vành vạnh, mẹ đã tỉ mẩn khâu vá bao nhiêu là găng tay, tất chân, khẩu trang, nón mũ để chuẩn bị cho mùa thu hoạch dứa. Bởi lẽ lá dứa rất sắc và có nhiều gai, chỉ cần một va quệt nhẹ thôi cũng khiến chân tay ứa máu. Vì vậy, trước khi đi hái dứa, cả gia đình tôi được mẹ trang bị kín đáo từ chân lên đến tóc. Tôi nói đùa: “Chúng ta giờ đây là những chiến binh”. Kể cũng đúng, thu hoạch dứa giữa cái nắng miền Trung như chảo lửa này thì khác nào đang đấu tranh với thời tiết. Những hôm đầu có hơi thấm mệt, nhưng rồi cũng quen nhanh…

Cả một miền dứa cứ trải dài bất tận. Tôi như chìm đắm trong sắc vàng no ấm, tươi vui. Khi được cầm trên tay những quả dứa căng đầy, mọng mẩy thì niềm sướng vui đã lấn át hết mọi nhọc nhằn. Cái nóng càng lúc càng bức bối, cha mẹ tôi vẫn cặm cụi, miệt mài. Mồ hôi rơi cho đất thêm tơi xốp. Có ngọt ngào nào không pha chút đắng cay? Thỉnh thoảng, cu út lại cầm ca nước chanh đá mát lạnh hay mấy cái kem sữa lon ton chạy ra. Trải tạm chiếc bao tải dưới bóng cây tràm, cả gia đình ngồi nghỉ ngơi bông đùa chuyện phiếm. Bỗng ngẫu hứng, tôi vu vơ hát những bài ca sai cả nhạc lẫn lời…

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Những sọt dứa đầy ứ sẽ được cha con tôi chất lên xe bò chở đi đến mấy khu chợ sầm uất trên thị trấn bán sỉ. Quả dứa nhà tôi đã tạo được niềm tin cho những lái buôn ở đây bao lâu nay, nên lúc nào cũng được giá. Sau mỗi đợt đi bán dứa, cha lại cho tôi tiền mua quần áo và sắm sanh những đồ dùng cần thiết. Cha ôn tồn bảo: “Cha mẹ nai lưng làm lụng lam lũ cũng chỉ mong các con được sung túc, đủ đầy”. Có hôm, tôi loay hoay cả tiếng đồng hồ ở khu chợ đông nghịt chỉ để mua cho mẹ một chiếc áo bà ba, mua cho cha một đôi giày mới, và mua cho cu út một quả bóng da.

Ngày nay, đọc báo vẫn thường giật nảy người với những cái tin thực phẩm nhiễm độc lại càng thấy quý thêm quả dứa nhà mình. Mỗi lần mang dứa đi biếu họ hàng, láng giềng, tôi hay quảng cáo: “Dứa nhà cháu đã thơm phức, ngọt lịm lại còn an toàn nữa”. Ai cũng tấm tắc khen hoài. Mà thật lạ, hè về, dù ngày nào cũng ăn dứa, tôi chẳng hề biết chán là gì. Cắn từng miếng dứa vàng tươi mọng nước, để vị ngọt từ từ lan vào cuống họng, chợt thấy nắng hè cũng lành hiền quá đỗi. Rồi mẹ thường dùng dứa nấu canh tép khô, xào với mực hay om cùng thịt vịt đều rất tuyệt vời!

Những mùa hè dấu yêu luôn làm trái tim tôi đầy lên bằng những kỷ niệm êm đềm như thế. Hết mùa gặt lúa, qua mùa hái dứa, vẫn còn nữa những mùa ngô, mùa lạc đang chờ. Và tôi sẽ hát tiếp bài ca lao động…

Tản văn của PHAN ĐỨC LỘC