Là Hằng đang nói chuyện về cô con gái mười sáu tuổi vừa ra viện được mấy hôm do tìm cách tự sát bằng thuốc ngủ.
Cánh cửa phòng con bé hé mở, tôi chỉ gõ ba tiếng lấy lệ, rồi từ từ đẩy cửa bước vào. Con bé đang nằm trên giường, mắt mở to nhìn trần nhà. Nó còn không thèm nghiêng nhìn về phía tôi.
Trần nhà dán kín ảnh nam diễn viên mà nó yêu thích, một anh chàng được đẽo gọt tỉa tót và sơn màu cho láng bóng mỗi khi bước ra phim trường, bước lên ảnh lịch, hay nhảy bổ vào các trang báo mạng giật gân vì tiền. Không chỉ trần nhà, bốn bức tường và các vật dụng trong phòng đều dán kín ảnh anh ta và…con bé. Một tuần trước, con bé phải nhập viện để rửa ruột, do quá đau khổ bởi mối tình vô vọng với thần tượng. Cách đấy hai tuần, anh chàng diễn viên đã tự tử thành công. Không biết trong nước còn có bao nhiêu cô bé ngây thơ si tình đòi chết theo anh ta như con bé của Nguyệt Hằng nữa.
Nguyệt Hằng nuôi con bé đâu có dễ dàng gì, nay nó đòi chết vì một đứa chẳng máu mủ ruột rà, thậm chí còn chả thèm biết nó là ai, dẫu nó cũng nhan sắc đang bung nở như mẹ nó ngày xưa, nên giận lắm. Giận đến nỗi đòi đào mộ anh chàng diễn viên đẹp trai lên để bắt đền.
Thực tình tôi không để ý đến cái chết của chàng diễn viên nọ. Tôi từ lâu đã không thèm đếm xỉa đến cái giới phù hoa đó. Nhưng tin tức về cái chết của anh ta ầm ĩ trên báo chí, đến mức ngay cả khi dùng điện thoại, tin và ảnh anh ta cũng tự nhảy vào quảng cáo. Lẽ dĩ nhiên, cái chết của anh ta khiến báo giới một phen kiếm bộn tiền. Và vì thế, tôi mới hay cái mặt Lão xuất hiện trong đám tang, đầy đau khổ. “Tôi đã mất đi một học trò, một người bạn xuất sắc và tâm giao nhất đời mình rồi”. Lão ta rên rỉ. Và lại một phen nữa, báo giới kiếm bộn tiền bởi lời rên rỉ ấy.
… Năm hai mươi tuổi, tự dưng tôi mê phim ảnh. Cùng mê với tôi có Nguyệt Hằng. Tôi và Nguyệt Hằng thân nhau, nhưng tôi kém nhan sắc, còn Nguyệt Hằng rực rỡ. Bắt đầu bởi mùa hè năm đó, khi Lão đi qua thị trấn của chúng tôi trên hành trình tìm kiếm diễn viên mới triển vọng cho bộ phim sẽ quay của mình. Trong cuộc dự tuyển, Nguyệt Hằng trúng ngay, còn tôi thì không. Hồi đó Lão đã là một đạo diễn nổi tiếng, đến nỗi chỉ cần nghe tên, người yêu điện ảnh hay người thờ ơ cũng biết. Tất nhiên, hồi ấy Lão mới ngoài bốn mươi xuân, phong độ kiểu bụi bặm, thứ mà những kẻ thích phim gangster và cowboy Mỹ rất khoái.
Lão bảo tôi nên học viết kịch bản. Kịch bản là khâu đầu tiên để một bộ phim bắt đầu. Nói theo cách của Lão thì biên kịch rất quan trọng, quan trọng đến nỗi không có họ thì chẳng có bộ phim nào trên đời được sản xuất. Còn Nguyệt Hằng thì vì có nhan sắc nên đương nhiên sẽ trở thành diễn viên. Thật là như những lời vàng ngọc của đấng tối cao rót xuống cho tôi và Hằng.
… Con bé vẫn nằm yên trên giường, hai tay chắp trên bụng và mắt nhìn trần nhà.
“Con bé chết mất. Giờ bảo tớ làm gì cho thằng kia sống lại tớ cũng sẽ làm, miễn là con bé trở lại như xưa.”-Hằng nói khi con bé được bác sĩ thông báo đã qua mức nguy hiểm. Tôi bật cười. Vừa mới đây còn đòi đào mộ người ta lên để bắt đền, giờ lại sẵn sàng làm cho người ta sống lại. Tình yêu đúng là phức tạp.
 |
Minh họa: Quang Cường. |
Tôi biết Nguyệt Hằng đã bị chính con gái mình bỏ rơi từ lâu, khi nó bắt đầu thần tượng một nam diễn viên điện ảnh. Lẽ dĩ nhiên, ngoài việc dán ảnh anh ta khắp nơi, nó còn làm vô số chuyện điên rồ khác, và lẽ dĩ nhiên, trong mắt chúng, những kẻ như con bé ấy, không có sự điên rồ nào cả. Chúng đang tự thiêu cho những đam mê, sẵn sàng chết cháy.
Như tôi và Nguyệt Hằng ngày ấy, đã định cháy hết cho những đam mê của mình.
… Bắt tay vào học viết kịch bản, tôi mới nhận ra nó thật sự cuốn hút. Suốt đêm ngày tôi như con gà mái mắc đẻ, chỉ muốn nằm trên ổ để mơ màng về quả trứng hồng nở ra những cục bông vàng xinh xắn. Nếu nói một, hai cô bé quê mùa như tôi và Nguyệt Hằng được một đạo diễn nổi tiếng để ý, tận tâm chỉ bảo, chắc người ta không tin nổi. Diễn viên ư? Hàng trăm cô gái xinh đẹp đang xếp hàng để được thử vai cho phim của ông ta kia kìa. Biên kịch ư? Có hàng chục biên kịch trẻ được đào tạo bài bản đang khắc khoải đợi ông ta sờ đến kịch bản đầy tâm huyết của họ kia kìa. Vậy thì tại sao tôi và Nguyệt Hằng có được diễm phúc đó? Câu trả lời chỉ có thể ở… trên trời.
Thế là mùa hè năm ấy chúng tôi lỉnh kỉnh đồ đạc lên thành phố sống. Sáng làm thuê bưng bê ở quán cà phê, tối về hì hụi viết kịch bản và tập diễn xuất. Hằng có nhan sắc, nên nhanh chóng được chủ quán cà phê mời làm thêm với mức lương ưu ái. Nhìn mặt gã chủ quán cà phê, kẻ có thể nướng gái tơ không run tay ấy, tôi cản Nguyệt Hằng ngay.
Nhưng tôi không cản được Nguyệt Hằng. Cứ thế, ngày hôm sau cậu ta đi làm về muộn hơn ngày hôm trước, cho đến khi suốt hai đêm tôi lặng lẽ với bản thảo một mình. Thời hạn giao nộp bản thảo cho Lão đạo diễn-lúc đó là thần tượng của tôi-đã hết. Tôi cần ở Lão những lời khen ngợi, động viên. Tôi cần trở thành chủ nhân của một kịch bản đắt giá cho đạo diễn đắt giá như Lão, và lẽ dĩ nhiên, Nguyệt Hằng bạn tôi sẽ là nữ chính.
Ba tháng trôi qua, kịch bản của tôi không một hồi đáp. Còn Nguyệt Hằng càng ngày càng trở nên xa lạ với tôi.
… Con bé thật may mắn vì thừa hưởng nhan sắc của mẹ. Nghĩa là nó sắp rực rỡ như năm xưa mẹ nó từng rực rỡ. Có điều, mười sáu năm trước cả tôi và Nguyệt Hằng không có được những đam mê như nó đã đam mê. Nó đã đến mức sẵn sàng chết theo thần tượng. Mà cái anh chàng diễn viên đẹp trai ấy, theo lời Lão và được báo giới tung tin rằng cậu ta là sản phẩm kỳ diệu, tức là một học trò xuất sắc, một người bạn tâm giao nhất của Lão.
Sống trong hào quang của cả bản thân và “ông thầy” nổi tiếng, tại sao anh ta lại chọn cái chết ở tuổi hai mươi lăm rực cháy đến thế? Người ta phanh phui, người ta mổ xẻ, mỗi phóng viên báo mạng sau một tiếng lại đăng một bài, title sau giật gân hơn title trước, chỉ có sự khác nhau lớn nhất ở các bài là… xáo trộn câu và đoạn. Cuối cùng, nguyên nhân cái chết của anh ta trở nên… tù mù. Người chết nói sự thật thì người sống đâu có nghe được. Nghe được cũng chẳng muốn tin là như thế.
Con bé không có thời giờ để theo dõi diễn biến sau cái chết của thần tượng, vì nó cũng dốc cả đống thuốc ngủ, mà không biết làm cách nào, từ bao giờ nó đã gom sẵn trong nhà, chỉ để chết theo anh ta.
… Nguyệt Hằng gọi cho tôi để gào khóc về con bé. Đêm con bé uống thuốc ngủ tự sát, trời mưa rất to. Mưa nhanh chóng phủ ngập đường phố, nhấn chìm nửa bánh xe của tôi trong nước trên đường đến với Nguyệt Hằng. Mười sáu năm trước, cũng trong một đêm mưa gió dữ dội, Nguyệt Hằng đổ sụp lên chiếc giường được lắp vụng về bởi mấy thanh gỗ xẻ và chân giường là những chiếc thùng bia chai ở phòng trọ. Hằng khóc to, báo tin có thai rồi.
Có thai, sinh nở, nghĩa là cơ hội trở thành ngôi sao sáng của Nguyệt Hằng sẽ chấm hết ư? Không thể nào. Cậu ta còn trẻ và còn cơ hội cho sự nghiệp nữa chứ.
Lão, khi ấy là đạo diễn nổi tiếng, mới ngoài bốn mươi, bụi bặm, từng trải như những gã điển trai trong phim gangster và cowboy, lẽ nào chấp nhận một cô diễn viên trẻ mang bầu cho vai diễn một thiếu nữ trắng trong lương thiện trong phim của Lão. Cũng như Lão chẳng bao giờ chấp nhận cái thai Nguyệt Hằng đang mang. Nếu Lão để xảy ra sự cố có bầu, thì cái đám nữ diễn viên từng đóng phim của Lão đã có bầu hết cả.
Tôi đưa Nguyệt Hằng từ nhà trọ này đến nhà trọ khác trong thành phố để cậu ta yên tâm sinh con trong âm thầm. Không một ai trong hai gia đình của chúng tôi biết, chúng tôi chẳng hề gặt hái được một hạt thành công nào về dự án kịch bản và quay phim như chúng tôi từng mơ tưởng với Lão và ở cái thành phố này. Cũng không ai biết về sự ra đời của con bé, cho đến khi nó tròn ba tuổi, xinh đẹp như một vị thần nhỏ đeo cánh bay lượn trên trời.
Ba năm sau, một bộ phim mới của Lão được công chúng hào hứng đón nhận, như chưa bao giờ có cái gì khiến họ háo hức hơn thế. Kịch bản của tôi, chỉ cần đổi tên phim và tên nhân vật, thêm vài tình tiết và đã là của Lão.
… Con bé khẽ xoay người lại phía tôi, sau một quãng thời gian khá lâu nhìn trần nhà và tôi không nói một lời nào.
Khuôn mặt nó, đôi mắt nó mới đẹp làm sao. Lúc đó, tôi chỉ muốn nói với nó rằng, nếu mẹ nó chấp nhận từ bỏ nó bởi cha nó-Lão đạo diễn-muốn thế, thì giờ có thể mẹ nó đã là một ngôi sao lấp lánh trên bầu trời điện ảnh rồi.
“Cô bé"-tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh đó-"Cô đã mất bố của cô và đã mất đi nhiều thứ quý giá trong đời, nhưng cô nhận ra rằng không có nỗi đau nào đáng để ta đau khổ, trừ nỗi đau mất người thân yêu ruột thịt của mình.”
“Cháu biết”. Con bé nói.
Rồi nó im lặng nhìn tôi, như thể nó đã biết, đã hiểu tất cả.
Truyện ngắn của PHẠM THANH THÚY