Đó là lời khẳng định của GS Hà Minh Đức, một người từng viết nhiều trang sách nghiên cứu, phê bình về “ông hoàng thơ tình” tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ lớn Xuân Diệu (2-2-1916/2-2-2016) do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tài thơ hiếm có

Xuân Diệu sinh ra trong một gia đình Nho học và tích lũy kiến thức dưới mái trường Tây học được mở ra để đào tạo “ông Tây An Nam”. Không chỉ riêng Xuân Diệu mà lớp thanh niên trí thức trưởng thành trước năm 1945 đều được hấp thụ nền hai nền văn hóa, nền văn chương phương Đông lẫn phương Tây bài bản. Nhưng để trở thành một nhà thơ lớn của dân tộc, có quá trình sáng tạo lâu dài và nhất là để lại một di sản thơ tình đặc sắc; rõ ràng những yếu tố bên ngoài không phải là tất cả mà quan trọng hơn là những phẩm chất đặc biệt của chính Xuân Diệu. Theo nhà nghiên cứu văn học Vũ Thị Thu Hương, những yếu tố đó bao gồm: Tâm hồn tư tưởng trong sáng và sự kiên trì, miệt mài trong lao động văn chương.

Lâu nay, người ta cho rằng, nghệ sĩ nói chung, nhất là các nhà thơ hơn người ở điểm là rất dễ xúc động, rất dễ nhạy cảm với thực tại. Thực ra, quan niệm đó khá phiến diện bởi nhà thơ hay người bình thường đều có những tâm tư, tình cảm giống nhau, chẳng hạn trước hiện vật của cái Đẹp là một vườn hoa, ai mà chẳng rung động. Chỉ có điều, nhà thơ có khả năng tưởng tượng, biết hòa quyện tâm hồn mình với thực tại và biết diễn đạt những rung động tâm hồn mình thông qua các con chữ được tuyển chọn tinh vi.

Xuân Diệu là một nhà thơ lớn bởi ông nâng tầm những rung động của mình bằng tất cả tâm hồn trái tim nghệ sĩ trong sáng. Đọc những câu thơ chỉ tả cảnh thuần túy nhưng lại chất chứa bao nhiêu tâm trạng đắm say của thi sĩ: Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên/ Cây me ríu rít cặp chim chuyền/ Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá/ Thu đến-nơi nơi động tiếng huyền (“Thơ duyên”). Ở khổ thơ nổi tiếng này, cảnh vật đã được thi vị hóa đến mức cao nhất, cảnh vật và tâm hồn thi sĩ hòa vào làm một.

Không phải ai hiểu biết nhiều cũng có thể trở thành một nhà thơ nhưng nhà thơ lớn nào cũng đều là người thông tuệ, đọc đủ thiên kinh vạn quyển. GS Nguyễn Đình Chú bày tỏ sự khâm phục trước sức đọc, sự am hiểu văn chương của Xuân Diệu. Đọc thơ Xuân Diệu trước năm 1945, người ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của thơ Pháp. Từ quan niệm giao hòa các giác quan của nhà thơ Pháp C.Bô-đơ-le (1821-1867), Xuân Diệu đã diễn đạt lại tư tưởng nghệ thuật này hết sức sáng tạo: Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Say người như rượu tối tân hôn/ Như hương thấm tận qua xương tủy/ Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn” (“Huyền Diệu”). Xuân Diệu là một nhà thơ hiếm hoi mà sự nghiệp thơ ca kéo dài gần nửa thế kỷ. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã nhanh chóng sáng tác hai tráng ca có chất lượng tốt là “Ngọn Quốc kỳ” và “Hội nghị non sông” trong khi các đồng nghiệp khác vẫn đang loay hoay “nhận đường”. Chắc chắn, trong con người Xuân Diệu đã sẵn có tinh thần suy tư vượt thời đại, “phông” văn hóa rộng thì mới có thể tự đổi mới thơ ca và kéo dài sự nghiệp, không bị đứt quãng. Chỉ nói riêng về “phông” văn hóa, nếu Xuân Diệu không suốt đời tự học, tự bồi đắp thì vốn văn hóa không thể tự giàu có, chính vì thế mới có câu nói: “Thiên tài là 1 phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm đổ mồ hôi”.

Thi sĩ của tình yêu, của tuổi trẻ

Theo GS Hà Minh Đức: Có lần Xuân Diệu cho rằng, ông làm thơ không hay bằng người khác, chỉ có mỗi “đặc sản” thơ tình là may ra có chút thành tựu.

Hơn 30 năm kể từ khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, đời sống xã hội và văn chương đã khác xưa rất nhiều. Song, vị trí “ông hoàng thơ tình” của Xuân Diệu vẫn chưa ai soán ngôi bởi những cảm xúc đa dạng, phức tạp của tình yêu qua từng giai đoạn phải cần đến những câu thơ của Xuân Diệu mới có thể diễn đạt nổi. Từ buổi hẹn hò đầu tiên: Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy/ Lòng anh thôi đã cưới lòng em (“Thơ duyên”); đến khi yêu nhau đắm say: Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ/ Phải nói yêu, trăm bận đến ngàn lần” (“Phải nói”) và kể cả khi đã kết duyên trăm năm: “Một tuần công việc tạm xong/ Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người...” (“Cầm tay”).

Nhưng không chỉ là nhà thơ của tình yêu, rộng lớn hơn, Xuân Diệu thực là một nhà thơ của tuổi trẻ, lúc nào cũng khao khát chiếm lĩnh đời sống, muốn níu giữ thời gian với câu thơ nổi tiếng: Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! (“Vội vàng”). Rất nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, suốt đời làm thơ, Xuân Diệu bị ám ảnh bởi vấn đề thời gian trôi chảy, càng về cuối đời ông càng nuối tiếc hiện tại, sợ những năm tháng hiện hữu trên cuộc đời sẽ chẳng còn bao lâu. Vì thế, trong thơ Xuân Diệu luôn kêu gọi người đời, nhất là các bạn trẻ hãy sống hết mình: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (“Giục giã”).

Thời nay, lớp trẻ hiện đại không còn viết thư dài mấy trang để giãi bày tình cảm, trích dẫn thơ Xuân Diệu trong các bức thư tình nồng nàn như thế hệ trước. Nhưng như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu: Ai trong đời cũng có lần đắm say vì tình yêu, mà nhắc đến tình yêu là phải nhớ đến thơ tình của Xuân Diệu.

Và như thế, sau tất cả, chẳng ai làm thơ giống như Xuân Diệu vì thi pháp thơ ông đã cũ nhưng vị trí “ông hoàng thơ tình” của Xuân Diệu vẫn thật vững vàng vì chưa nhà thơ nào nói hộ cho những người đang yêu một cách chính xác, tinh tế bằng Xuân Diệu. Đúng như dự cảm của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Gửi theo anh Xuân Diệu” sau khi nhà thơ qua đời: Ôi, sống làm sao nếu chẳng yêu/ Hoa chưa nở sáng đã tàn chiều/ Bơ vơ đi giữa thời khôn dại/ Giây phút vui qua, lại khổ nhiều/ Một tiếng thơ rơi, ngàn lệ thấm/ Vắng Anh, người bớt ấm bao nhiêu!/ Thời gian ơi, nhớ chàng Xuân Diệu/ Dào dạt tình dâng nhịp thủy triều.

Một nhân cách lớn trong văn đàn

Sinh thời, Xuân Diệu từng có câu nói nổi tiếng: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết”. Đó là lý do giải thích vì sao, Xuân Diệu là một trong số những cây bút viết nhiều nhất, xuất bản gần 50 đầu sách đủ mọi thể loại. Riêng lĩnh vực bình giảng, phê bình văn học, một mình Xuân Diệu làm việc bằng cả một viện hàn lâm như lời nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên.

Người ta nể phục sức viết, chất lượng tác phẩm của Xuân Diệu đã đành, đồng thời lại còn nể phục nhân cách của Xuân Diệu. Trước hết, Xuân Diệu là một con người trung thực và sòng phẳng. Nổi tiếng là một người có “con mắt thơ” tinh tường, am tường về thơ, khi đánh giá về thơ người khác, nhất là những người làm thơ trẻ, ông đều hết sức cẩn thận và công tâm. Những nhà thơ nổi tiếng như: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa... đã được Xuân Diệu ưu ái giới thiệu, dành những lời ngợi khen đích đáng.  

Theo GS Hà Minh Đức, Xuân Diệu sinh thời có ý thức công dân rất cao. Là nhà thơ đấy nhưng không có nghĩa là bàng quan với thời cuộc, trong lúc đất nước đang bị chia cắt, chiến tranh ác liệt, Xuân Diệu sẵn sàng làm thơ dễ đọc, dễ hiểu để tuyên truyền chính trị, phục vụ cách mạng. Ông cũng là người rất khiêm tốn, chỉ mong sau này có tấm biển đồng ghi mốc thời gian Xuân Diệu từng sống và làm việc ở ngôi nhà 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ, Hà Nội), chứ không mong có hẳn một nhà lưu niệm cho riêng mình vì đất nước còn nghèo khó.

Hiện nay, đã có nhà lưu niệm, tưởng niệm Xuân Diệu ở nhiều địa phương, rồi nhiều con đường, trường học mang tên “ông hoàng thơ tình”. Nhưng điều quan trọng nhất, điều mà Xuân Diệu khao khát hơn cả đã thành hiện thực là tên tuổi của ông vẫn sẽ có sức sống lâu dài với di sản văn chương gửi lại trần gian, dẫu thời gian vô tình cứ trôi như nước chảy qua cầu.

TRẦN HOÀNG HOÀNG (tổng thuật)