Nhà thơ Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24-3-1916 tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở mảnh đất buôn bán sầm uất Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bích Khê xuất thân từ một gia đình Nho học có truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng. Ông nội nhà thơ là cụ Lê Trọng Khanh đỗ cử nhân và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Thấy tình cảnh nhà Nguyễn bất lực trước ngoại xâm, cụ cáo quan rồi không lâu sau đã tuẫn tiết tại quê nhà, để không bị bắt buộc làm tay sai bán nước. Các thế hệ tiếp theo trong dòng họ nhà thơ Bích Khê đều có nhiều người tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, từ các phong trào: Đông Du, Duy Tân, chống thuế...; nhiều người sau này là đảng viên ở lại miền Nam chống Mỹ, người thì đi tập kết xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Ngoài truyền thống yêu nước, dòng tộc và gia đình Bích Khê vốn theo Nho học, rất yêu văn chương, hay làm thơ. Với tư chất thông minh, Bích Khê học hành hanh thông, sớm đi dạy học tự nuôi sống bản thân. Với thơ ca, Bích Khê bén duyên từ rất sớm, 15 tuổi đã có thơ đăng báo. Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Bích Khê có nét gần gũi với người bạn thân của mình là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940). Hai người đều sống trầm lặng và đều mất sớm với những căn bệnh nan y thời bấy giờ. Quá trình sáng tác cũng gần gũi nhau, bắt đầu từ làm thơ truyền thống có niêm luật, sau mới chuyển sang làm thơ tự do để góp phần giúp phong trào Thơ Mới thắng thế.
Cũng giống như những thanh niên trưởng thành trong những năm 1930, tuy theo Tây học nhưng vốn Nho học chưa mất đi hẳn, vì thế buổi đầu làm thơ, Bích Khê chuyên sáng tác những bài thơ truyền thống Đường luật đăng trên tờ báo: Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ năm.., dưới các bút danh Lê Mộng Thu, Bích Khê. Tuy mới ở tuổi vị thành niên nhưng nhiều bài thơ theo lối cổ của Bích Khê rất chuẩn về niêm luật, ý tứ sâu sắc: ... Đường đời thành bại chòm râu bạc/ Tiến cử anh hùng ngọn gió lau/ Nhìn cảnh nước non non nước ấy/ Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau (“Đèo Hải Vân”).
Giai đoạn làm thơ truyền thống chỉ kéo dài chừng 5 năm, đến năm 1936, Bích Khê chuyển hẳn sang làm thơ tự do, cũng đúng vào thời điểm các tập thơ tự do nổi tiếng đã được xuất bản như: “Mấy vần thơ” (Thế Lữ), “Gái quê” (Hàn Mặc Tử), “Ngày xưa” (Nguyễn Nhược Pháp)... được bạn đọc khắp nơi mê mẩn. Bích Khê in tập thơ “Tinh huyết” năm 1939, thời điểm mà Thơ Mới thắng thế hoàn toàn với những “ngôi sao” thơ ca như: Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính...
Bài tiểu luận nổi tiếng “Một thời đại trong thi ca” in trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” (1942) của Hoài Thanh-Hoài Chân, các tác giả đã phân tích rất tinh tế những xu hướng khác nhau trong phong trào Thơ Mới. Cùng là thơ tự do, cùng vứt bỏ niêm luật nhưng tinh thần và thủ pháp của các khuynh hướng thơ ca thật sự khác biệt. Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân... thuộc nhóm “thơ đồng quê”, chuyên tả cảnh quê, nói lên tình người quê lưu lạc nơi phố thị gần gũi với ca dao. Thậm chí những câu như: ... Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi? (“Tiếng hát trong trăng”) vốn của thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988) truyền bá trong người đọc rồi dần dần trở thành ca dao khuyết danh! Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh... ảnh hưởng thơ Pháp thời kỳ lãng mạn, thơ giàu vần điệu, tả tình, tả cảnh rất tinh vi, lãng mạn, tiêu biểu nhất là thơ Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng... (“Đây mùa thu tới”).
Với trường hợp “Tinh huyết” của Bích Khê, cũng chịu ảnh hưởng thơ Pháp nhưng là dòng thơ tượng trưng chủ nghĩa như nhận xét của Hoài Thanh-Hoài Chân: “Các ông Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết. Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy tiếng ta rất quen, nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích những ý tứ, những tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó. Họ chạm trổ rất tỉ mỉ, không phải những rồng, những phượng như ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi cũng đẹp. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta cũng đành... kính nhi viễn chi”. Sự khó hiểu mà Hoài Thanh-Hoài Chân kêu ca cũng... dễ hiểu vì thơ Bích Khê là thứ thơ ca tượng trưng điển hình. Nói ngắn gọn và nôm na, chủ nghĩa tượng trưng xem thơ như một thứ siêu cảm giác, không giải thích được. Thơ phải gắn chặt với âm nhạc, phải gợi chứ không vẽ các đường nét, hình thể, nghĩa là thơ không cần có hình tượng rõ nét và được quan niệm như một bản hòa âm huyền ảo. Mỗi từ trong thơ phải gắn liền với một nốt nhạc. Với thói quen đọc thơ của người Việt Nam thích thơ ca phải rõ ràng, dễ hiểu, cần hình tượng thì việc khó chấp nhận thơ Bích Khê là điều có thể giải thích được.
Chỉ trong vòng 10 năm, phong trào Thơ Mới của Việt Nam đã trải qua các trường phái thi ca: Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực mà thơ Pháp mất gần một thế kỷ mới trải qua. Ở điểm này, có thể ghi nhận Bích Khê và những nhà thơ đương thời là những tài năng thơ ca lớn. Tầm vóc nhà thơ lớn của Bích Khê không thể hiện là người tiên phong mở ra lối thơ tượng trưng, mà là sáng tạo nhuần nhuyễn trong một thời gian ngắn dựa trên nền tảng thơ ca nước ngoài.
Song, Bích Khê là một người Việt Nam nên dù có tân kỳ, cách tân đến đâu thì hơi hướng của văn hóa cổ truyền vẫn không mất đi hẳn. Ví dụ như bài “Tỳ bà” là sự giao thoa tuyệt vời giữa sự ước lệ trong thơ Đường với tính tượng trưng thơ Pháp để có những câu thơ tuyệt bút lưu truyền mãi cho hậu thế: ... Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông. Hơi hướng kết hợp Đông-Tây, mới-cũ được tiếp nối trong tập thơ “Tinh hoa” vào thời kỳ mà bệnh lao sắp sửa cướp đi cuộc đời của thi sĩ tài hoa bạc mệnh.
Sau khi vị thế phong trào Thơ Mới được phục hồi, các tập thơ của Bích Khê cũng được in lại. Và sau hàng chục năm, bạn đọc đã dần hiểu và làm quen được với cái hay, cái đẹp của các trường phái thơ hiện đại như thơ tượng trưng, vị thế của Bích Khê dần được đưa trở lại là một trong những nhà thơ cách tân hàng đầu của thơ ca Việt Nam hiện đại, một hồn thơ trăm năm vẫn mới lạ.
VIỆT PHONG