Ngày 11-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo "Tự ý giải tán", hoạt động dưới hình thức Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Đó không chỉ là việc “rút củi đáy nồi”, tránh đi sự công kích trực diện của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trong thời điểm vận nước ngàn cân treo sợi tóc mà còn là sự  hy sinh, một thành tâm mở rộng đoàn kết, liên hiệp giữa các lực lượng, thành phần trong xã hội; chia sẻ quyền lãnh đạo. Vì vậy, từ Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương (16-8-1945), khi Cách mạng Tháng Tám giành được chính quyền trong cả nước, Chính phủ lâm thời được thành lập (27-8-1945), sau đổi thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời (1-1-1946) rồi Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (2-3-1946) đều đã tập hợp đầy đủ nhất đại diện các tầng lớp, vùng miền làm cho chính phủ  tiêu biểu cho toàn thể dân tộc.

Ai cũng biết, người lãnh đạo Cách mạng từ trong bóng tối, chịu nhiều hy sinh nhất và đem lại thắng lợi, chính là Đảng Cộng sản và Việt Minh, nhưng khi xây dựng chính quyền, nhiều đại biểu Việt Minh đã phải rút lui nhường ghế trong Quốc hội và Chính phủ cho các đảng phái khác, cho các bậc nhân sĩ, trí thức.

Những quyết sách của Đảng, Bác Hồ trong thời kỳ này đã làm sáng lên những chân lý vĩnh cửu, những tư tưởng làm nên sức mạnh dân tộc, là bài học quý giá cho muôn đời. Đó là, nước Việt Nam là một, nước Việt Nam là của tất cả mọi người Việt Nam.

Đó là, ngoài lợi ích của dân – nước, Đảng ta không phấn đấu vì lợi ích gì khác. Đó là, từ kháng chiến đến kiến quốc, cần phải có người tài giỏi, tập hợp được người tài giỏi, biết coi trọng vai trò đặc biệt của đội ngũ trí thức. Để lãnh đạo được cách mạng, Đảng cũng phải vươn tầm thành “tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc” như Bác Hồ từng khẳng định năm 1955 (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 7, tr.517).

Trí tuệ, danh dự, lương tâm - đó chính là bản chất của kẻ sĩ, của những bậc hiền tài

Sức cuốn hút của cách mạng, sức cuốn hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân sĩ, trí thức trong thời kỳ đầu dựng nước, trước hết là ở lý tưởng cao đẹp, ở cả cuộc đời vì dân vì nước của Người. Cùng với đó là một tấm lòng tha thiết, thành tâm. Với các bậc chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Võ Liêm Sơn..., có được người nào theo cách mạng, theo kháng chiến Bác đều ứa nước mắt mừng rỡ Cụ đến tôi mừng rỡ/ Cụ đi tôi nhớ mong (Tặng Võ công).

                                                                                                 *   *   *

Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn là một trong những người mà Bác Hồ hết sức kính trọng và tìm mọi cách để thu phục.

Bác biết rất rõ, đây là một gia đình quan lại phong kiến lâu đời. Ông nội làm Tổng đốc, Tham tri Bộ Binh, bố làm Tuần phủ. Ở làng Bặt (tên chữ Liên Bạt), Hà Đông, ngõ vào nhà ông gọi là Ngõ Quan. Nhưng đều là nhiều đời làm quan thanh liêm, dốc lòng việc nước, không ham công danh phú quý. Cụ Bùi còn là người mẫn tiệp. 17 tuổi (1906) đỗ Cử nhân. Năm 1907 lại thi trúng Trường Hậu bổ (như Học viện Hành chính), ra trường với bằng Thủ khoa. Chữ Hán, tiếng Pháp của cụ Bùi đều ở mức tinh thông. Làm quan dưới chế độ thực dân phong kiến nhưng bản chất cụ là người yêu nước, làm quan ở đâu cũng có công trạng với dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu TTXVN 

Ngày 23-11-1925, Tòa Đại hình Hà Nội của thực dân Pháp đem cụ Phan Bội Châu ra xét xử.

Tuy đang làm Tri phủ ở Xuân Trường, Nam Định, Bùi Bằng Đoàn được điều về Hà Nội để phiên dịch.

Có hai luật sư người Pháp được cử ra để bào chữa cho cụ Phan. Tuy nhiên, cụ Phan tự bào chữa là chính. Bằng giọng điệu hùng hồn vốn có, cụ đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo chế độ bảo hộ. Thí dụ, khi tòa hỏi: “Ông phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ hay là chính trị của nước Nam”? Cụ Phan đáp: “Tôi phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, chứ nước Nam có nước đâu và có chính trị đâu mà tôi phản đối”; “Trước sau tôi vẫn chủ trương dùng văn hóa mà phản đối chính trị, văn hóa không xong thì tôi mới dùng đến võ lực. Chính trị còn một ngày bất lương, tôi còn một ngày phản đối”... Lời dịch chuẩn xác, bảo đảm cả giọng điệu hùng biện, hữu lý trong tranh biện của Phan Bội Châu đã làm Tòa nao núng, hạ từ mức án tử hình xuống chung thân. Sau đó với phòng trào đòi ân xá, Phan Bội Châu rầm rộ trong cả nước, buộc Va-ren phải ân xá.

                                                                                                   *   *   *

Họ Bùi Liên Bạt, theo lời kể của một người con của cụ Bùi Bằng Đoàn, có ba truyền thống nổi bật: Một là thành tín và nghiêm quy đạo hiếu. Ở nhà thờ có treo một câu trong Kinh Thi: Vĩnh ngôn hiếu tư, hiếu tư duy tắc (Đạo Hiếu là mãi mãi, Đạo Hiếu là phép tắc) dùng để dạy con cháu. Thứ hai là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nuôi và lập nghiệp cho con chú, con bác như con mình. Hồi cụ Bùi làm Thượng thư ở Huế, để con mình mặc áo vá, con chú được mặc áo lành, không để ngược lại. Thứ ba là liêm chính. Có người trong họ làm án sát ở một tỉnh phía nam, xử đúng, được người ta biếu 20 quả trứng gà nhưng trong họ đã quy định làm việc công không được nhận quà biếu nên vị án sát này phải về quê, quỳ trước nhà thờ để chịu phạt.

Tháng 3-1945, Bùi Bằng Đoàn ẩn cư tại quê.

Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp chính quyền mới.

Ngày 17-11-1945, Bác lại viết thư mời tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước. Thư viết: 

Thưa Ngài!

Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà, dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.

Kính thư.

Cả hai lần, cụ đều viện lý do sức khỏe để từ chối. Thâm tâm, có lẽ cụ nghĩ thân là một cựu thần của một chính quyền mới bị lật đổ, liệu có được tin tưởng thật sự chăng? Hai là, theo lẽ xuất xử hành tàng của nhà nho, khi đã về ẩn thì quyết “triều ẩn lập thân hành thiện”, không xuất thế nữa. Ba là, lá thư 17-11-1945, còn mang tính quan phương, tuy đầy kính trọng, khiêm cung, nhưng dường chưa đủ tri âm, tri kỷ.

Sau đó, Bác Hồ lại gửi một bức thư khác, đề là “Lời tâm tri”, đưa cho thư ký riêng là Vũ Đình Huỳnh và nói: “Tôi tin lần này chú yết kiến cụ Bùi và trao tay cụ thư này của tôi, Cụ sẽ vui lòng ra giúp nước”.

Sự việc đã diễn ra đúng như tiên đoán của Bác. Đọc thư Bác, cụ Bùi trầm ngâm một lúc rồi nở nụ cười làm sáng cả gương mặt vẫn thường ưu tư: “Ngài về thưa lại với Hồ Chủ tịch, tôi xin ứng mệnh ngay lời tâm tri của Người. Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu”... Ngày 22-11-1945, cụ Bùi Bằng Đoàn đến Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch. Một ngày sau đó, cụ nhận chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ngày 6-1-1946, cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội). Đó là đoạn đời có ý nghĩa nhất, vẻ vang nhất của Bùi Bằng Đoàn. Từ đó, gia đình cụ, quê hương cụ cũng là nơi tản cư của Quốc hội, của Báo Sự thật và một số cơ quan kháng chiến khác.

Nghe tiếng thu Cách mạng

Mối quan hệ thân thiết, tri âm tri kỷ với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đem lại cho cụ một áng văn chương tuyệt tác. Đón Xuân 1948, khi quân ta chuyển sang thế phản công, giành được một số thắng lợi bước đầu, Bác Hồ nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, viết tặng cụ một thiên tuyệt thi:

Khán thư sơn điểu thê song hãn

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì

Tiệp báo tần lai lao dịch mã

Tư công tức cảnh tặng tân thi.

(Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài).

Nhận được thơ Bác, cụ Bùi họa lại:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc

Giang sơn vạn lý thủ thành trì

Tri công quốc sự vô dư hạ

Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi.

(Sắt đá một lòng vì chủng tộc

Non sông muôn dặm giữ cơ đồ

Biết Người việc nước không hề rảnh

Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).

Khó có thể phân tích hết cái hay, cái đẹp của hai bài thơ này; nhưng ai cũng thấy được cái đẹp, cái hùng, sự ung dung tự tại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy được chính nghĩa và sự tất thắng của cuộc kháng chiến.

                                                                                                           *   *   *

Bác Hồ đã viết gì trong thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn? Chỉ có một câu thơ chữ Hán Thu thủy tàn hà thính vũ thanh. Không phải người nào theo Hán học cũng biết câu thơ này nhưng cụ Bùi là một túc nho, “học vấn cao siêu” nên biết ngay ý nghĩa và ngụ tình sâu xa trong đó. 

Bác mượn câu kết, có sửa đi mấy chữ, thành “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”, vừa tóm được ý toàn bài, vừa nói lên nỗi lòng thao thiết mong đợi. Nhiều nhà văn đã cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ này và cho rằng: Thu thủy là sóng nước mùa thu, tượng trưng cho Cách mạng Tháng Tám. Tàn hà là bông sen tàn. Thính vũ thanh là nghe tiếng mưa, ý nói “đón cuộc cách mạng nổ ra”. (Xem “Bác Hồ cầu hiền”, NXB Thông tấn, 2006, tr.16,17).

Câu thơ này nên được hiểu trong hai chủ thể: Chủ thể thứ nhất là Hồ Chí Minh đang nóng lòng cầu hiền tài. Nỗi mong đợi của Bác cũng như Lý Thương Ẩn mong đợi hội ngộ với hai em (cũng có nghĩa là mong tri âm, mong mỏi xã hội mới) từ mùa này sang mùa khác đến “sen khô hồ cạn” lại càng mong. “Thính vũ thanh” là mong mỏi hồi âm, sự góp sức với nước nhà của cụ Bùi Bằng Đoàn.

Chủ thể thứ hai hướng vào cụ Bùi Bằng Đoàn với câu hỏi: Thu thủy – nước mới mùa thu; tàn hà – sen tàn, chế độ cũ đã tàn, cuộc đời mình đã xế chiều, có nghe chăng tiếng mưa thu, có hóa chăng giọt mưa thu hòa trong muôn giọt để tưới nhuần sông núi?

Trong bảy chữ, chứa đựng tình hình đất nước, chứa đựng tình cảm thiết tha của một lãnh tụ, của dân tộc; một đòi hỏi trách nhiệm với dân, với nước của một sĩ phu..., Bùi Bằng Đoàn đã thấu hiểu tất cả và hưởng ứng ngay: Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu – nghe tiếng thu Cách mạng, xin được mừng đón, hòa theo! 

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI