Đó quả là những thành tích đáng nể của một sự kiện nghệ thuật khi “bà đỡ” của nó là doanh nghiệp, điều hiếm gặp trong bối cảnh nhiều khó khăn của nền nghệ thuật Việt Nam.

Trưng bày và trao đổi văn hóa

Sau ba mùa tổ chức, đến nay, "Art in the forest" đã góp cho khu Flamingo Đại Lải Resort hơn 30 tác phẩm ngoài trời sống động. Nhiều du khách đến đây có chung nhận xét, tác phẩm điêu khắc làm đẹp cho khu resort và quang cảnh chung của khu resort tô điểm thêm cho chính những tác phẩm nghệ thuật. Tham quan "Art in the forest", ông Guy Simard, chủ phòng trưng bày "Simard bilodeau contemporary" tại Thượng Hải (Trung Quốc) bày tỏ niềm thích thú. Ông đánh giá cao chất lượng các tác phẩm và cho rằng những tác phẩm này đã chạm tới tâm hồn của ông khi được đặt trong một không gian mà mọi thứ đều mang tính nghệ thuật. Ngày khai mạc với mỹ thuật, cảnh quan, âm nhạc… quả thực như một giấc mơ. Bà Lê Thị Vân Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Flamingo, Tổng giám đốc Công ty CP Hồng Hạc cho biết, thực ra từ cách đây 10 năm, Tổng giám đốc của tập đoàn là ông Trịnh Ngọc Dũng đã ấp ủ và quyết tâm thực hiện ước mơ xây dựng một khu resort trở thành bảo tàng nghệ thuật ngoài trời. Nơi đây đang trong quá trình được xây dựng thành một điểm đến của nghệ thuật, và những gì hiện hữu mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình đó.

leftcenterrightdel
Thưởng thức nghệ thuật tại "Art in the forest". 
"Art in the forest" 2017 có sự tham gia của 17 nghệ sĩ, trong đó có 7 tác giả điêu khắc và 10 họa sĩ với nhiều tên tuổi như: Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Vũ Bình Minh, Mạc Hoàng Thượng, Tuấn Mami, Nguyễn Sơn, Nguyễn Quân, Nguyễn Xuân Tiệp… cùng 4 nghệ sĩ quốc tế đến từ Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Singapore. Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, Chủ nhiệm dự án cho rằng, dự án mời các nghệ sĩ nước ngoài với mong muốn trao đổi văn hóa, cách nhìn và phương thức làm việc để cùng nhau học hỏi. Nghệ sĩ người Nhật Bản Mukai Katsumi cho biết, lần đầu tiên ông nhận lời tham gia dự án vì muốn được trải nghiệm cách làm nghệ thuật ở nhiều nước, nhiều nền văn hóa khác nhau. Sau thành công của dự án năm 2016, năm nay, ông tiếp tục tham gia "Art in the forest" 2017 và cho biết sẽ dành nhiều thời gian cuối đời mình cho nghệ thuật của quốc gia mà ông rất yêu quý-Việt Nam.

Nâng đỡ sáng tạo

Đa số ý kiến cho rằng, "Art in the forest" thực sự là "bà đỡ mát tay" cho nghệ thuâ%3ḅt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn của nghệ thuật Việt hiện nay. Có chiến lược phù hợp, đầu tư dài hạn, ngoài thành công về tác phẩm, chương trình còn trở thành thương hiệu khi được các nghệ sĩ đánh giá cao về chất lượng và cách thức tổ chức. Nhà điêu khắc Carlos Albert Andrés người Tây Ban Nha có tác phẩm điêu khắc được đặt ở nhiều nơi trên thế giới, rất tâm đắc với chương trình lưu trú nghệ sĩ của "Art in the forest" và gọi đây là một trải nghiệm quý, hiếm có của mình. Họa sĩ Nguyễn Quân tâm sự: “Tôi từng được dự nhiều trại sáng tác trong và ngoài nước nhưng ít nơi mà sáng tác của nghệ sĩ không bị giới hạn về chủ đề, chất liệu và thời gian sáng tác. Lâu nay, chúng tôi sáng tác mà không biết tác phẩm của mình sẽ nằm trong không gian như thế nào. Nhưng tại Flamingo Đại Lải Resort, người nghệ sĩ biết “đứa con tinh thần” của mình sẽ “lớn lên” với cảnh quan xung quanh và họ cũng thấy hứng thú hơn vì biết rằng tương lai sáng tác của mình sẽ được đóng góp vào một không gian nghệ thuật. Là nghệ sĩ, chúng tôi muốn mang nghệ thuật vào đời sống, chương trình lưu trú nghệ sĩ này tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc đó".

Họa sĩ Tuấn Mami cho rằng: "Chương trình lưu trú nghệ sĩ đạt tính chuyên nghiệp cao, không gian khu resort thanh vắng, thuận tiện cho sáng tác, nghệ sĩ được tự do sáng tạo trong không gian của riêng mình, thể hiện tinh thần, ý tưởng của mình. Ngoài ra, nghệ sĩ còn được cung cấp vật liệu chuẩn theo yêu cầu, được tư vấn ý tưởng và cách sử dụng vật liệu sao cho hiệu quả. Điều này thực sự có ý nghĩa vì vật liệu là một trong những cái khó của nghệ sĩ Việt hiện giờ. Theo tôi, đây là chuẩn mực của một chương trình lưu trú quốc tế".

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, khách mời danh dự của "Art in the forest", vốn là Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Chương trình giúp giữ gìn văn hóa của người Việt mà vẫn có sự giao thoa với nghệ thuật quốc tế. Tôi tin rằng nơi đây sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật của Việt Nam. Hai năm qua, chương trình đã tạo được uy tín trong và ngoài nước, nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng. Đây có thể là một kích thích cho các doanh nghiệp khác. Tôi nghĩ, nếu có nhiều doanh nghiệp làm được các chương trình như "Art in the forest" thì nền mỹ thuật đất nước, công chúng và nghệ sĩ đều được nhờ”. 

Bài và ảnh: LAN DỊU