Mẹ thái mỡ lợn thành từng miếng mỏng, trắng hếu, cho vào chiếc chảo gang ám đen nhọ nồi rồi nhóm bếp rán đều. Lửa củi cháy liu riu, tiếng mỡ lợn lèo xèo, lụp bụp. Mùa đông, gian bếp nhỏ là nơi tôi thường lui tới nhiều nhất. Con mèo mướp có chung sở thích với tôi. Bao giờ cũng vậy, lúc tôi háo hức chạy xuống bếp khoe với mẹ những điểm chín, điểm mười đạt được trong buổi học thì đã thấy nó cuộn tròn mình lại bên đống tro ấm áp, ngủ một giấc say sưa ngon lành.
Suốt thời thơ bé, tôi luôn cồn cào nỗi thèm thịt lợn. Bốn mùa thường loanh quanh với canh rau và đĩa cá khô kho mật, muốn được ăn thịt lợn thỏa thuê, chỉ còn cách đợi ngày giỗ ông nội hay dịp Tết. Thương con, mẹ thường rán cho đến lúc miếng mỡ khô cong, ngả màu vàng ươm thì nhắc chảo xuống, đổ nước mỡ vào chiếc hũ sứ cất trong ngăn chạn; phần tóp mỡ, mẹ bỏ thêm chút nước mắm, giấm táo, đường, tiêu... làm thành một món ăn hấp dẫn mà tôi thường thích gọi bằng cái tên sang trọng để tự an ủi mình là “thịt” xào chua ngọt.
Anh em tôi hay nói đùa, bữa cơm nào có tóp mỡ xào chua ngọt thì bữa đó nồi cơm xác định bị "bóc trần" tận đáy. Miếng mỡ bùi béo, giòn tan ngấm đủ vị chua, cay, mặn, ngọt kích thích đôi đũa lùa cơm liên tục. Chúng tôi cắn dè sẻn từng chút một vì sợ bát tóp mỡ sẽ hết veo trong chốc lát. Ngoài hiên, gió bấc thổi ràn rạt như tò mò muốn ghé xem mâm cơm đạm bạc hôm nay có những món gì. Và con mèo mướp cứ lởn vởn quanh chân tôi kêu meo meo đòi tôi chia sẻ một miếng tóp mỡ thật to mới chịu nằm yên.
Có lẽ vì gầy tong teo nên tôi không ham các món luộc. Sẵn hũ mỡ trong chạn gỗ, những bữa cơm hôm sau, mẹ làm rất nhiều món cơm liên quan đến xào, rán. Rau muống xào tỏi, cà muối xào ốc bươu, cá trích rán chấm mắm cay hay hến chiên hành tăm đều là những món dân dã "báo hại" nồi cơm bị chúng tôi cầm muôi tranh nhau cạo xoàng xoạc đến... hột cuối cùng. Những hôm mưa gió rét mướt, chẳng cần cầu kỳ gì nhiều, bát cơm trắng ngần mới xới, chan đều một thìa nước mắm rồi xắn một tảng mỡ đông đặt lên trên, chờ nó chảy ra theo hơi nóng và... ăn.
Tôi đã nhầm tưởng mỡ lợn chỉ có bấy nhiêu công dụng thôi cho đến một đêm đột ngột mất điện, nến hết, dầu hỏa cũng chẳng còn, anh em chúng tôi đang mừng quýnh vì không “bị” học bài thì mẹ lui cui nhóm lửa hâm nóng một ít mỡ đổ đầy bình chứa chiếc đèn dầu làm từ lọ kẹo gừng thủy tinh và bỗng chốc, gian nhà sáng lung linh. Mẹ bảo ngày xưa bà ngoại đã dạy mẹ làm như vậy. Hột lửa bén mỡ nổ lẹt đẹt vui tai phả ra một mùi thơm hơi ngầy ngậy. Đọc sách bên ngọn “đèn mỡ” có cảm giác thú vị, hay hay.
Đôi tay mẹ, qua thời gian lại có thêm những vết rộp phồng vì bỏng mỡ. Vậy mà thuở nhỏ, tôi cứ vô tư vui chơi, vô tư dề môi chê bai khi bữa cơm không vừa miệng. Bây giờ chẳng còn ai lục tục đạp xe vượt đèo dốc mua mỡ lợn về dự trữ mỗi độ ngày đông tháng giá nữa. Quán tạp hóa mọc lên khắp nơi, nếu cần, người ta chỉ đi mấy bước chân đã mua được dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu cọ. Thế mà trên báo vẫn đầy rẫy thông tin dầu bẩn, dầu chứa chất bảo quản vượt mức cho phép. Thầm nhớ mâm cơm của những mùa đông gió bấc, mưa phùn...
Ngày mẹ ốm nặng, tôi mua hải sản, thịt bò về nấu cháo bón cho mẹ ăn. Mẹ rưng rưng: “Cả đời mẹ kham khổ quá rồi. Nay ăn những thứ đắt tiền này, mẹ thấy không vừa miệng. Mẹ thèm tóp mỡ dầm nước mắm. Mẹ chỉ thèm tóp mỡ các con ạ”. Hỡi ôi, mẹ tôi, đến lúc gần đất xa trời vẫn lo tiết kiệm cho con, cho cháu. Mẹ đâu còn răng để nhai tóp mỡ? Sao mẹ không nghĩ cho bản thân dù chỉ một lần. Chiếc hũ đựng mỡ vẫn cất trong chạn gỗ, lâu lắm rồi không có một bàn tay ấm áp chạm vào.
Mùa đông năm nay, tôi mua mỡ lợn về rán giòn với nước mắm cá cơm, kính cẩn đặt lên bàn thờ mẹ. Nhìn ánh mắt mẹ trong di ảnh, tôi khóc như đứa trẻ lên ba, khóc cho một ngày đông rất buồn và lạnh.
Tản văn của PHAN ĐỨC LỘC