Dần thay đổi phong cách
Họa sĩ Phạm Thủy Tiên sinh năm 1997 tại Thường Tín (Hà Nội), trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật. Thế nhưng, chị lại yêu và bộc lộ năng khiếu với hội họa từ khá sớm. Ước mơ trở thành họa sĩ càng nhen nhóm khi chị dần được tiếp xúc với môi trường nghệ thuật tại Hà Nội. Chị cho rằng hội họa là phương tiện phản ánh cuộc sống, nội tâm, thế giới quan của người nghệ sĩ một cách chân thực nhất thông qua hình, màu.
Khi mới đến với hội họa, Phạm Thủy Tiên thường vẽ về phong cảnh, các nền văn hóa, chủ yếu dựa vào quan sát cá nhân và muốn khắc họa những thân phận người trong cuộc sống thông các trải nghiệm thực tiễn. Nói chung các bức tranh đến trong phút cảm hứng và không có sự tính toán trước. Còn hiện tại khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chị bắt đầu định hình ngôn ngữ hội họa của riêng mình.
 |
Họa sĩ trẻ Phạm Thủy Tiên say mê với tác phẩm của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Các tác phẩm nghệ thuật của chị tập trung khai thác về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang chuyển mình trước sự giao thoa các nền văn hóa khác nhau, được thể hiện qua yếu tố phong cảnh, sự vật, sự việc, hiện vật, tình huống mang yếu tố đối lập và ẩn dụ mà trong đó nhấn mạnh vào sự phản tư cũng như bày tỏ quan điểm một cách công khai, truy vấn những khả thể và mối tương quan giữa cảm xúc, tri giác, ý thức. Chị thực hành nghệ thuật trên các chất liệu truyền thống như sơn dầu, sơn mài, lụa, màu bột, quốc họa, gốm… và dần đi tới thực hành ứng tác sắp đặt đa chất liệu trong không gian.
Chiều sâu về tư tưởng nghệ thuật
Là người tích cực tham gia các cuộc thi, Phạm Thủy Tiên đã góp mặt và giành nhiều giải thưởng uy tín như: Giải Ba Triển lãm sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2018, với bức “Tĩnh Gia 3”; giải Ba Triển lãm sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, với bức sơn mài “Bếp của người Nùng”; giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật toàn quốc lần thứ 3 năm 2020, với bức sơn mài “Không gian mới” và gần đây nhất là giải C Triển lãm khu vực 1 Hà Nội với bức lụa “Thường nhật”. Gần đây, chị đã tích cực tham gia vào công tác giảng dạy, cụ thể là bộ môn sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là một trong các thành viên chắp bút cho chương trình đào tạo cử nhân Nghệ thuật thị giác tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
 |
Họa sĩ Phạm Thủy Tiên bên cạnh tác phẩm của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ngôn ngữ nghệ thuật của Phạm Thủy Tiên được bày tỏ thông qua các khía cạnh nội tâm, ký ức cá nhân và những câu chuyện xoay quanh đời sống từ xa xưa của nền văn hóa. Sự di chuyển và phổ cập văn hóa từ các vùng đất khác nhau trên thế giới, được biểu đạt bằng những hình ảnh mang hơi hướng mơ mộng và thi vị hóa, yếu tố lãng mạn thủ công và thô cứng đan xen trong sự bức bối của không gian địa lý và suy tư. Từ đó đưa đến những cảm thụ và đi sâu vào giác quan, tâm trí, đưa đến một không gian nhiều khả thể và liên tưởng.
Một Hà Nội trong nghệ thuật đương đại
Bên cạnh việc vẽ tranh, Phạm Thủy Tiên đặc biệt yêu thích nghệ thuật sắp đặt. Các sắp đặt của chị với quy mô lớn và đã được triển lãm trong các sự kiện lớn như Lễ hội Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội năm 2020 với tác phẩm “Ngày xửa, ngày xưa”, Triển lãm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore với tác phẩm “Câu chuyện của nước” và đặc biệt là tác phẩm “Quán cô Tiên” gây ấn tượng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2023.
“Quán Cô Tiên” được Phạm Thủy Tiên sáng tác từ năm 2021, lấy cảm hứng từ những quan sát hằng ngày của Hà Nội trong đại dịch Covid-19, với 7 tranh lụa được vẽ bằng kỹ thuật vẽ lụa truyền thống của hội họa Việt Nam, tái khám phá những giá trị truyền thống, tiếp tục khai thác và phát triển để đưa nó về những định dạng khác nhau, phù hợp với thời đại. Dịch Covid-19 xuất hiện, ở một khía cạnh nào đó, có thể coi là một cơ hội để mỗi cá nhân có thời gian nhìn nhận và quan sát được những gì đang diễn ra ở cả xã hội lẫn tâm trí của các họa sĩ.
“Tôi mong muốn phản ánh đời sống văn hóa, ẩm thực ở Hà Nội cùng những tín hiệu từ bảng hiệu, công nghệ, thương mại điện tử, sự phát triển của thời đại Công nghiệp 4.0 trong đời sống người dân. Bên cạnh sự phát triển đó là hình ảnh tương phản của tầng lớp cũ, cùng với những tấm chắn chống giọt nước thủ công do chính người dân làm ra để sống chung với đại dịch. Tác phẩm muốn tri ân cuộc sống của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, những người đã cống hiến hết mình phục vụ trong đại dịch, và toàn thế giới. Tác phẩm gửi tới thông điệp: “Dù cuộc sống có khó khăn nhưng chúng ta vẫn thích nghi và vượt qua”, nữ họa sĩ chia sẻ.
NGÔ KHIÊM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.