Quê hương- hai từ tuy giản đơn nhưng lại thiêng liêng vô cùng. Nơi đó là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và đắm chìm cả tuổi thơ êm đềm. Là nơi có bố, có mẹ, có gia đình và có những người luôn dang rộng vòng tay đón chúng ta trở về, chở che chúng ta trong những ngày khốn khó. Quê hương - nơi có những cảnh vật quen thuộc như mái nhà ta ở, một quán quen ta thường ghé qua hay cây cầu vẫn thường đi lại... dù là nhỏ bé nhưng vẫn để lại trong trái tim mỗi người một dấu ấn khó phai. Ta đã từng khóc ở đây, cười ở đây và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc ở đây trước khi bước vào đời. Có thể nói rằng, “quê hương” là một mối quan hệ thân thương, tổng hòa tất cả những gì mang đến sự nhẹ nhàng, vỗ về và yên bình nhất từ sâu cõi lòng ta. Nơi đó không chỉ chứng kiến khoảnh khắc chúng ta “bập bõm” biết đi, mà sau này còn là hành trang, là bước đệm khi ta chập chững bước vào “đời”.
Thế nhưng, người ta vẫn thường nói “Không có khoảnh khắc đẹp nào là mãi mãi|”. Cũng có những lúc, chúng ta sẽ phải đành lòng bỏ lại những thứ vốn không nỡ, để bước tiếp vì thời gian không đợi chờ ai. Quê hương cũng như vậy, nó nuôi dưỡng tâm hồn, bao bọc những đứa trẻ trong suốt một hành trình đầu đời. Để rồi, đến một ngày, những đứa trẻ ấy phải cất bước ra đi, xa rời vòng tay của gia đình, nói lời tạm biệt với quê hương thân thương để bước vào chân trời mới, chạm tay vào con đường xây dựng ước mơ của riêng mình.
 |
Một góc cánh đồng lúa trên quê hương Thái Bình. Ảnh: HẢI YẾN
|
Và những lúc như thế, những đứa trẻ tuy xa quê hương về khoảng cách nhưng lại gắn bó về tình cảm từ chính những hành lý mà họ mang theo. Chiếc xe lăn bánh, để lại sau lưng con đường làng gập ghềnh, những mái nhà thấp thoáng giữa rặng tre, và cả dáng mẹ đứng nơi đầu ngõ, bàn tay gầy guộc vẫn vẫy như chẳng muốn buông. Cũng như bao lần khác, chuyến đi này không chỉ là một lần rời quê, mà còn là cả một phần ký ức, một phần thương yêu được gói ghém mang theo.
Va li chẳng rộng, nhưng mẹ vẫn cố nhét vào đủ thứ. Nào hũ thịt đông thơm lừng mẹ tự tay làm cả buổi chiều, nào gói lạc rang giòn tan chắt chiu từ vụ mùa trước, nào cân gạo nếp mới gặt vẫn còn thơm mùi rơm rạ, và thêm cả những trái bưởi vàng ươm mẹ hái từ sau vườn. Những món đồ quê ấy, có thể với người khác chẳng đáng giá là bao, nhưng với người sắp xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, nó là cả một góc trời thương nhớ. Đó không chỉ là thức ăn, mà là hơi ấm của căn bếp lúc trời se lạnh, là hình ảnh mẹ lom khom bên bếp lửa, là mùi thơm của rơm rạ vấn vít trong từng hạt gạo. Từng món đồ ấy là tình thương mẹ gói ghém, là lời dặn dò không thể nói hết bằng lời, là sợi dây vô hình níu giữ trái tim mỗi khi chông chênh giữa nơi đất khách.
Chuyến xe cuối cùng cũng đến bến, thành phố hiện ra rực rỡ với những tòa nhà cao tầng, những dòng người tấp nập, những con đường sáng rực ánh đèn. Nơi đây chẳng có tiếng ếch kêu râm ran, chẳng có gió đồng thơm mùi lúa chín, chẳng có những hương vị quen thuộc của quán quen nơi quê hương gắn bó. Chỉ có những nhịp sống gấp gáp, những khuôn mặt xa lạ lướt qua nhau.
Bước chân vào căn phòng trọ chật hẹp, bỗng thấy lòng trống trải đến lạ. Thế nhưng, chỉ cần mở va li, chỉ cần nhìn thấy hũ ruốc mẹ gói kỹ bằng từng lớp nilon, ngửi mùi gạo quê vẫn vương hơi nắng, chạm vào mấy trái bưởi tròn lẳn, lòng lại thấy dịu đi. Giữa phố phường hoa lệ, giữa những bữa cơm vội vã, chỉ cần một muỗng ruốc, bát canh từ rau quê được hái khi còn vương sương sớm, là như được trở về những ngày ấu thơ nơi quê hương.
Xa quê không chỉ là đi khỏi một vùng đất, mà là mang theo cả một phần của chính mình, là nỗi nhớ không bao giờ gọi thành tên, là những đêm nằm mơ vẫn thấy mình đang chạy trên con đường làng quen thuộc. Và mỗi lần chạm tay vào từng món đồ mẹ gửi, lại thấy quê hương chưa bao giờ thật sự xa.
Quê hương không chỉ nằm ở nơi ta rời đi, mà còn ở trong từng hương vị thân thuộc, trong từng ký ức không phai nhòa, trong trái tim luôn hướng về mái nhà có gia đình đợi mong. Dù đi xa đến đâu, chỉ cần còn mang theo những yêu thương ấy, quê hương vẫn luôn ở bên!
Tản văn của HẢI YẾN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.