Bởi có những câu yêu thương hai đất nước Việt-Nga thật sự chân thành, đến cháy bỏng, đau đớn: “Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc/ Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi/ Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực/ Tôi tự đặt trái tim rớm máu dưới chân người”.
Sinh năm 1953, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau nhiều năm làm giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Huy Hoàng đi làm nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga. Trở thành nhà khoa học có uy tín, là tác giả của hơn 20 đầu sách, công trình nghiên cứu về văn học Nga và Việt Nam. Ông ra mắt tuyển thơ 3 tập “Trông trời, trông đất, trông mây...” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2024), chọn lọc những sáng tác từ năm 1995. Hai sợi chỉ đậm sắc màu tình yêu, thương nhớ xuyên suốt tuyển thơ là quê hương cội nguồn Việt mặn mà, ân nghĩa và con người nhân hậu, thiên nhiên trữ tình nước Nga. Điều ấy tạo nên đặc trưng tập thơ là tình cảm, dung dị, nhiều cung bậc tâm trạng bồn chồn, khắc khoải, da diết, nhiều khi xót xa. Thơ anh như nén lại nhưng để bùng nổ, như được phủ tuyết nhưng nồng nàn đượm lửa bên trong.
 |
Giáo sư, Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại lễ ra mắt sách, tháng 4-2024. Ảnh: QUANG THANH |
Nguyễn Huy Hoàng là một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, được tiếp xúc với nền khoa học hàng đầu thế giới. Đó là lợi thế về vốn sống, vốn văn hóa. Viết văn hay làm thơ, kể cả nghiên cứu, cũng phải dựa trên cái vốn ấy. Lại vào thời điểm nước Nga khủng hoảng rồi thay đổi về ý thức hệ, cũng là lúc quê Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu mới mẻ. Những điều ấy tất yếu tác động vào tâm hồn vốn nhạy cảm, lại đang xa xứ. Thơ anh đầy trăn trở là dễ hiểu. Lại gặp biến cố lạc mất con, nên thơ anh đằm nặng nỗi đau. Cứ như nghe thấy âm vọng thảng thốt bật ra từ con chữ.
Lý giải vì sao bộ sách có tên “Trông trời, trông đất, trông mây...”, theo lời anh nói, đó là “bức chân dung giản dị của tâm hồn tôi không hề cường điệu, không chút tô vẽ, bạn đọc sẽ bắt gặp giữa thơ và người tôi luôn là một... Tôi muốn bạn đọc cầm tập thơ tuyển này như cầm lấy đôi bàn tay tôi để cùng sẻ chia và đồng cảm”. Cái tên gọi ấy cũng đậm chất liên văn hóa: Ở nước Nga “trông” về Việt Nam; ở Việt Nam lại “trông” sang trời Nga... Bộ tuyển có nhiều câu thơ lóng lánh ánh hồi quang văn hóa của hai không gian đều là quê hương. Những ánh hồi quang ấy lại khúc xạ vào nhau, rồi cùng khúc xạ vào trái tim nhạy cảm và tinh tế; đau đớn và dịu dàng tạo cho thơ anh nét riêng khó lẫn. Viết về thiên nhiên Nga nhưng vẫn thấy ẩn hiện bóng hình Việt: “Thoáng rêu phong trên thân bạch dương gầy”. “Thân bạch dương” là nước Nga, hình ảnh Nga nhưng “thoáng rêu phong” dễ tạo liên tưởng về ngôi nhà cổ xưa, về đền chùa, miếu mạo... nơi quê Việt. Trong hình ảnh người mẹ Nga chăm chỉ, thuần phác, cũng lồng bóng hình người mẹ Việt: “Bà mẹ Nga bên bếp lửa ngồi đan/ Mái tóc trắng vương theo làn khói tỏa” (Ngày đông giữa làng Nga). Hai bà mẹ ở hai không gian lại như là một, chung hình ảnh “bên bếp lửa” và “Mái tóc trắng vương theo làn khói tỏa”, nhưng vẫn rõ người mẹ Nga, trong đặc trưng văn hóa Nga, mùa lạnh, các bà mẹ thường ngồi bếp sưởi, tay đan len.
Khi anh viết về quê Việt, nhất là viết về cha mẹ, từ điểm nhìn “phương trời” khác nên đầy sự thổn thức, hoài niệm: “Tóc sương lưu lạc phương trời/ Vẫn còn bé dại trong lời mẹ ru” (Cội nguồn). Phải chăng càng xa về không gian, nhờ nỗi nhớ bắc cầu nên càng gần về tâm trạng, ký ức, càng thấy mẹ ta, Tổ quốc, đất nước thiêng liêng, gần gũi. Từ xứ người viết về quê nhà tức tạo ra một “liên văn hóa không gian”: “Thư viết cho con cũng mùa màng ruộng đất/ Dán phong bì, hạt cơm nguội khô tơi” (Cha tôi). Hiện lên một người cha chân quê, không biết nói khéo, chỉ biết nói điều thật, có sao nói vậy, như đồng đất quê mình. Thơ hay đi vào lòng người nhờ cái tình thật, chi tiết thật. Những câu thơ trên là tiêu biểu. Hình ảnh người cha dán phong bì bằng cơm nguội đã vượt qua cái cá thể để trở thành cái phổ quát chung cho tình quê hương chân thành, hồn hậu, giản dị tận cùng, lắng sâu tận độ.
Khi về quê, điểm nhìn gần hơn nhưng vẫn thấy trong tâm trạng chủ thể một chút bâng khuâng, day dứt như tự trách mình: “Cúi đầu lạy tạ trước hàng bia/ Ngàn dặm tha phương lặn lội về/ Tiên tổ phụng thờ dâng hương khói/ Miếu đường kính lễ bái gia huy/ Cuồn cuộn Lam Giang dòng lưu thủy/ Điệp trùng Hồng Lĩnh nẻo sơn khê...” (Trường Lưu cảm tác). Ẩn trong giọng thơ nghiêm trang theo thể Đường luật với nhiều từ Hán Việt là cái tự hào của người xa xứ hãnh diện về cố hương.
Thơ Nguyễn Huy Hoàng có nhiều tính từ chỉ tâm trạng, khoảng cách, có ngay cả khi trong thủ pháp chơi chữ: “Đến Trường Lưu lưu lại Trường Lưu/ Lưu luyến nhớ người xưa lưu lạc” (Ngỡ ngàng). Điều ấy góp phần quy định một giọng điệu thơ da diết buồn: “Nghe hồn ngọn gió ly quê/ Len trong lãng đãng bốn bề khói sương” (Cố hương). Nhưng cái buồn ấy nhân lên trong ta bao cảm giác được yêu thương, được chia sẻ và bình an bởi được gần gũi, gắn bó với nơi mình sinh ra!
THANH MAI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.