Dựa trên ý tưởng và khái niệm của chuyên gia Jayme Illien và nguồn cảm hứng từ Vương quốc Bhutan, quốc gia coi trọng hạnh phúc quốc gia hơn thu nhập quốc gia, bắt đầu từ năm 2013, ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc của nhân loại theo quyết định của Liên hợp quốc.
Trước khi Liên hợp quốc ra quyết định này, hạnh phúc đã là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại từ trước đến nay. Con người chẳng có ai không mong muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc là gì? Thế nào là hạnh phúc, là một câu hỏi không dễ trả lời, thậm chí có thể là vĩnh viễn không có câu trả lời thỏa đáng cho toàn nhân loại như một nhà thơ đã viết: "Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra". Điều mang lại hạnh phúc cho người này chưa chắc đã đem đến hạnh phúc với người khác. Có người, hạnh phúc chỉ giản dị là “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Có người thì những khoảnh khắc sum họp bên gia đình, bạn bè là những phút giây hạnh phúc nhất trong đời. Có người chỉ thấy vui vẻ, hạnh phúc khi công danh sự nghiệp viên mãn. Có người thì hạnh phúc lại là những khoảng lặng mà ở đó tâm trí đạt đến trạng thái “nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”... Mỗi người bằng tâm hồn, tri thức, cảm nhận, tính cách của mình sẽ tự tìm cho bản thân một đáp án riêng về hạnh phúc.
Hạnh phúc tuy mang tính cá nhân nhưng cũng mang tính thời đại, cũng thay đổi theo những biến chuyển của xã hội trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa... Với người dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, cuộc đời đẹp nhất là “trên trận tuyến đánh quân thù”. Khi đất nước vừa thống nhất, hạnh phúc với nhân dân ta là niềm vui sướng được sống một cuộc sống đời thường không còn những buổi chia ly đắng lòng “Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ” như trong lời bài ca "Đất nước" làm thổn thức bao thế hệ người Việt. Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, hạnh phúc của người dân Việt Nam chuyển từ “ăn no”, “mặc ấm” sang “ăn ngon”, “mặc đẹp”, được đi du lịch, vui chơi giải trí, học tập ở trong và ngoài nước. Và đến thời đại số ngày nay, quan niệm về hạnh phúc của nhân dân ta cũng đã có những thay đổi.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã nêu lên “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, mà ở đó việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân là điều trọng yếu nhất trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn tới: “Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Từ mục tiêu cao cả, vĩ đại và xuyên suốt ấy, Đảng ta đã bổ sung thành tố “dân thụ hưởng” vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Nhân dân được thụ hưởng “quyền làm chủ và vai trò chủ thể”, thụ hưởng những giá trị vật chất, văn hóa tốt đẹp nhất do mình và xã hội kiến tạo ra. Sự thụ hưởng của nhân dân chính là chìa khóa “bảo đảm cho sự vận động cùng chiều giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia-dân tộc” như một chuyên gia đã nhận định. Từng người dân có hạnh phúc thì quốc gia mới hạnh phúc. Thiết nghĩ, đó mới là hạnh phúc chân chính, trường tồn.
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM