Tức nhà văn đóng vai trò vừa là kiến trúc sư, vừa là thợ xây dựng để hoàn thiện ngôi nhà tác phẩm theo chủ ý của mình. Ngôi nhà ấy đẹp-xấu, lợi-hại thế nào, tất cả đều do năng khiếu, sức tưởng tượng cùng vốn sống, sự trải nghiệm, ngôn từ, kết cấu, cách kể... của nhà văn. Quan niệm khoa học này cho thấy tác phẩm thống nhất chứ không hề đồng nhất với đời sống. Nói khác đi là người ta rất chú trọng tới cái riêng, nét riêng, tức đề cao, coi trọng cá tính. Đề tài, chủ đề ấy, thể loại ấy, tác phẩm ấy chỉ có nhà văn ấy viết được, còn người khác là không thể. Vì thế tác phẩm là gương mặt nhà văn!

Tác phẩm thống nhất với đời sống vì nó thoát thai từ đời sống, mang rõ dấu ấn của mối quan hệ giữa nhà văn với cuộc đời. Tác giả sống nhạt, nông cạn với đời thì dứt khoát không thể có mô hình cuộc sống trong tác phẩm vững chãi, mặn mòi, sâu sắc được. Không đồng nhất vì tác phẩm chỉ là mô hình chứ không phải bản sao, càng không phải bản thân đời sống. Tức tác phẩm là sự sáng tạo ra một cuộc sống mới nhưng không mâu thuẫn hay thù địch, mà là sự tiếp nối, là sự kết tinh, là sự phong phú và đa dạng hóa cuộc sống đời thực. Do vậy, tác phẩm văn học là gương mặt cuộc đời, với tác phẩm lớn thì đó là gương mặt văn hóa thời đại!

Thiên chức nhà văn là thiên chức của vị sứ giả văn hóa sáng tạo ra tác phẩm mang tính cầu nối để con người đến với con người, thời đại này đến với thời đại khác, nền văn hóa này đến với nền văn hóa khác...

Như vậy, duy nhất chỉ có tác phẩm mới mang tư cách văn hóa để “bầu” lên danh hiệu nhà văn. Nhìn theo góc độ này thì thời trước đúng là “đi trước” hôm nay khi thơ Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương,... đã chứng nhận cho các tác giả ấy là những thiên tài văn học. Còn hôm nay, để có danh hiệu nhà văn phải có hội đồng bầu. Điều này cũng thật phù hợp với tinh thần dân chủ của thời đại mới, cần ủng hộ, nhưng xét về bản chất, liệu các vị bỏ phiếu có đọc hết, hiểu đúng các tác phẩm là “gương mặt” các nhà văn mới? Nói thế cũng là một cách nhắc nhở các vị có trách nhiệm không để lọt tên tuổi các tài năng. Nhưng là một sự trách khác đáng chế giễu (nếu có): Một vài “tác giả” nào đó định kiếm lối vào Hội Nhà văn ngoài con đường tác phẩm...

Theo thống kê xã hội học thì trên thế giới, cứ 80% ấn phẩm (chủ yếu là sách văn học) năm trước sẽ bị bỏ quên vào năm sau, và cứ 20 năm thì ấn phẩm bị bỏ quên sẽ là 99%. Ở nước ta, theo một nghiên cứu về tiếp nhận văn học thì 48,5% độc giả chọn sách bán chạy (best seller) và 62,7% độc giả chọn sách của các tác giả nổi tiếng để đọc. Những con số này cho thấy quy luật tồn tại và phát triển văn học khắc nghiệt vô cùng. Để có tác phẩm đứng được với thời gian, chiếm được cảm tình của bạn đọc quả vô cùng khó khăn.

Chúng tôi xin nói thêm về các cách hiểu mới xung quanh khái niệm “tác phẩm”. Nhà văn viết ra văn bản được bạn đọc đón nhận thì mới được gọi là “tác phẩm”. Nếu chưa có bạn đọc thì chỉ là văn bản chết. Tác phẩm là phải có đời sống riêng trong đông đảo đời sống công chúng, được tái hiện và tái tạo, tức được kể lại và “sáng tạo” qua những cách hiểu mới (mà trường hợp “Truyện Kiều” là điển hình). Tác phẩm văn học không chỉ là một quan hệ xã hội mà còn là quá trình xã hội là vì vậy.

Xin cung cấp một số liệu đáng suy ngẫm, điều tra 1.000 học sinh, sinh viên ở Hà Nội thì chỉ có 30,8% đọc sách văn học, trong đó phần lớn là sách văn học dịch. Có nhiều, nhưng dứt khoát có một nguyên nhân là thiếu tác phẩm hay. Nhà văn chỉ có thể tham gia đối thoại với cuộc đời, rộng hơn, với nhân loại-bằng tài sản riêng cũng là máu thịt của mình-tác phẩm văn học!

NGUYÊN THANH