Ở đó, những cảm nhận của một người con gái Việt Nam khi bị đặt vào không gian sống mới, với những con người mới xung quanh được hiện lên một cách u buồn, chơi vơi và lạc lõng. Cô nhận ra mình là người lạ trong môi trường Bắc Âu. Mở rộng ra, đó là thân phận của những người nhập cư, di dân, đã đến và sống trong lòng xã hội châu Âu, vốn được xem là xứ sở của văn minh, tiến bộ. Họ đã sống thế nào, cảm nhận thế nào? Những chuyến ra đi ấy, rốt cuộc là tìm thấy hay đánh mất?
Để đến được với Thụy Điển, một đất nước Bắc Âu được xem là hiện thân của văn minh và tiến bộ, An đã nỗ lực và đánh đổi rất nhiều. Đó là một cuộc dấn thân bằng con đường học tập, để vươn lên ngang hàng với những du học sinh ưu tú trên khắp thế giới, để tham dự vào môi trường học thuật với niềm say mê và lý tưởng chinh phục tri thức, đem tri thức cải tạo thế giới. Thế nhưng, dường như đó chỉ là “tiền cảnh” của sân khấu cuộc đời. "Người lạ" khắc họa phần “hậu cảnh” với những lo âu, trơ trọi, lạc lõng, chênh vênh, tiếc nuối, nhớ thương và đổ vỡ. An một mình đối diện với tất cả, để cuối cùng nhận ra, mình không thuộc về nơi ấy.
 |
Bìa cuốn sách |
Họ tìm thấy điều gì? Nơi An đến, thành phố Örebro (Thụy Điển), một trường đại học, một giảng đường, một khoa nghiên cứu, với những chuyên gia, những người bạn có hiểu biết về khoa học, về xã hội và các nền văn hóa. Ở đó, cô thấy mình có cơ hội được học, được trao đổi, tranh luận, được bày tỏ những ý kiến độc lập nhất về chuyên ngành mà mình theo đuổi. Những ước mơ đặt trong không gian văn minh, tiến bộ của Bắc Âu, những tưởng có thể được thực hiện. Nhưng, tất cả trả về cho An một nỗi thất vọng, đổ vỡ. An đã nếm trải đầy đủ bi kịch của một thân phận nhập cư, một cá thể “trật khớp” với hệ thống châu Âu hoa lệ, quan liêu và cứng nhắc. Cùng với An, những người bạn khác từ Ấn Độ, Đông Âu, thậm chí chính những người bản xứ cũng diễn ra quá trình đổ vỡ trong lý tưởng khi họ nhận ra thực tế cuộc sống ở những nơi được xem là văn minh nhất, dân chủ nhất, tiến bộ nhất, không như những gì lý thuyết đã rao giảng, không như những gì thành hình trong mộng mơ, tưởng tượng.
Không hòa nhập được vào không gian sống mới nhưng vẫn phải sống; nhớ, thèm và khao khát không gian sống của quê hương nhưng giờ đã quá xa xôi. Gắng phấn đấu để trở thành công dân quốc tế, để rồi, một khoảnh khắc nào đấy, họ thấy mình bơ vơ, nhớ thương một tiếng nói quê nhà. Chỉ cần một tiếng nói là tất cả hương vị, hình bóng quê hương ùa về, ăm ắp. Càng xa lại càng nhớ. Những nỗi nhớ mà ngày ở quê hương họ thờ ơ, không bao giờ nghĩ tới, như: Một tiếng rao trên phố, một bát cháo gạo quê, mùi oi ả của cơn mưa miền nhiệt đới, một khung cảnh chuẩn bị ngày Tết, màu lá chuối xanh, vị nếp và chiếc bánh chưng vuông xinh xắn... Thế nhưng, mọi thứ trượt ra khỏi những mộng mơ lý tưởng, khi nơi chốn trú ngụ không thể hòa nhập mà chốn về cũng đã đổi thay từng ngày, không còn bóng dáng của một thời gắn bó thiết thân nữa. Mọi thứ trở nên xa xôi cả hai chiều không gian mà kẻ tha hương phải nếm trải. Dường như, họ đã mất tất cả. Đó là một bi kịch, một bi kịch lưu đày.
Truyện của Mai Thảo Yên có lời văn nhẹ nhàng, lối viết không quá hiện đại hay cầu kỳ, cũng không “quá Tây” như một số cây bút trẻ khác sống trong môi trường đô thị phương Tây. Cấu trúc thời gian tuyến tính với diễn biến tâm trạng của nhân vật mang đến một mạch truyện dễ đọc với công chúng.
Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM