Giêng Hai với hội xuân rộn rã đã qua, tháng Ba trả lại cho làng quê vẻ thanh bình vốn có. Sáng sớm mở tung ô cửa nhỏ, tiếng chim chuyền cành hót ríu rít ngoài kia như thầm nhắn nhủ rằng: Mùa hoa chanh đang đến. Tôi luôn dành một tình yêu đặc biệt với hoa chanh. Đơn giản là bởi vì trong khi những loài hoa khác được gắn với những mỹ từ lộng lẫy thì người đời gọi em là chanh-cái tên gợi một chút gì đanh đá? Nhưng hoa chanh vốn dĩ đâu phải vậy? Tạo hóa sinh ra em đã nhỏ nhoi, bé bỏng, khiêm nhường.
Không phải là nữ hoàng của các loài hoa, cũng chẳng phải thuộc giống loài quý hiếm, nhưng hoa chanh luôn có một sức hấp dẫn rất đặc biệt. Bao bọc lấy nụ chanh là lớp màu hồng tím dịu dàng như bờ môi thiếu nữ trang điểm nhẹ. Đến khi nở xòe thì màu trắng ẩn giấu bên trong hiện ra rạng rỡ, tinh khôi. Ban đầu, dường như còn e ngại điều chi, hoa chanh chỉ dè dặt nở từng cánh mềm khiêm tốn, thẹn thùng. Đến khi đã bén duyên với tiếng chim và nắng mới, như có một nguồn nội lực trào dâng trong từng nhánh cành gầy guộc, lớp lớp hoa chanh đồng loạt rủ nhau nở bừng lên thổn thức, xôn xao.
Chẳng mấy mà vườn chanh đã nở rộ tưng bừng. Nụ này vừa bẽn lẽn bung ra, nụ kia đã xoe tròn chúm chím. Hương chanh ngạt ngào như mê dụ những đàn bướm, bầy ong ngược hành trình tìm về trẩy hội. Hoa chanh luôn hết mình tận hiến sắc thắm và hương thơm cho làng quê như để chứng minh rằng, em nhỏ bé nhưng không hề vô nghĩa. Và thế, sau vài ngày ngắn ngủi được là chính mình, một đợt gió nhẹ thoảng qua, hoa chanh gối đầu lên nhau lả tả rụng rơi. Hoa vẫn trắng, vẫn thơm, vẫn hồn nhiên nhìn đời cho đến khi tan vào lòng Đất Mẹ.
Những chiều gió lặng, mẹ thường ra vườn nhặt nhạnh hoa chanh rụng cho vào chiếc rổ nhỏ đem phơi khô rồi độn cùng vỏ đậu tằm và bông lau đã cất dành từ năm ngoái để làm ruột gối. Chiếc gối hoa chanh thơm tho đã ru tôi vào từng giấc ngủ êm đềm tuổi thơ. Có những giấc mơ mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi-giấc mơ gặp nàng công chúa nhỏ bước ra từ câu chuyện cổ tích ngày xưa. Nàng mặc chiếc váy trắng hồng lung linh được kết từ triều triệu nụ chanh. Đến lúc tỉnh dậy, ngỡ mình đã lớn hơn một chút…
Mỗi ngày lớn thêm từng chút, tôi trở thành chàng trai mười tám từ lúc nào không hay. Những ngày cô độc sau khi chia tay mối tình đầu, tôi thường chạy trốn sau vườn chanh tháng Ba khóc òa nức nở như một đứa con nít. Tôi vô thức nhặt tìm những nụ hoa chanh cuối mùa còn sót lại, chẳng hiểu để làm gì? Hoa chanh vẫn thơm mà lòng tôi nhức nhối. Hoa chanh vẫn mỉm cười cho đến lúc đã nằm xuống mà tại sao tôi lại yếu đuối thế kia? Người ấy đã quên lời hẹn ước hôm nào. Riêng tôi đã cố mà không thể nào quên được. Nghe văng vẳng đâu đây những vần thơ da diết của Nguyễn Bính: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”.
Qua vài đợt nắng, tắm đôi trận mưa, những bông hoa chanh kiên cường còn bám trụ lại trên cành đã đậu quả. Trong nỗi chờ, niềm đợi, ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy quả chanh tròn mọng, mướt xanh. Có phải vì đã hứng chịu bao thăng trầm nắng mưa mà chanh chỉ kịp chắt chiu cho mình vị chua? Nhưng chua, cay, mặn hay đắng rồi cũng chỉ là một thứ gia vị cuộc đời mà mỗi người hơn một lần phải nếm trải để ta biết trân quý hơn những khoảnh khắc ngọt ngào của hạnh phúc. Chanh đã ngậm ngùi nhận phần thiệt thòi về mình để nhường phần thảo thơm cho những thức quả khác. Chanh chua là để nhắc nhở chúng ta đời quả, đời cây hay đời người đều có một số phận, một góc khuất riêng. Thế nên, sống ở đời, đừng vì vẻ ngoài mà đánh giá hay quy chụp bản chất nội tâm một ai đó.
Tôi đợi tháng Ba, đâu hẳn vì luyến tiếc tuổi thơ, đâu hẳn vì mong người quay trở lại, mà là tôi đang đợi những mùa chanh thầm lặng của tôi!
Tản văn của PHAN ĐỨC LỘC