Theo các tài liệu của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, tượng được tìm thấy vào năm 1991, khi nhân dân địa phương tiến hành tu sửa đền, ẩn dưới đám cây dại, ngay phía lối lên đền.

Sau khi phát hiện khối tượng lạ, người dân trong làng đã xây một ngôi miếu nhỏ, đưa tượng vào thờ và gọi bằng tên cung kính “ông rồng”. Hiện, miếu ông rồng được đặt phía bên hồi phải của đền thờ Lê Văn Thịnh.

Toàn thân tượng được tạc bằng khối đá sa thạch (đá cát) nặng gần 3 tấn, màu vàng cát, với hình dáng độc đáo “nửa rồng, nửa rắn”, trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”.

Bảo vật quốc gia tượng xà thần. 

Hiện nay, nhiều quan điểm của các nhà khoa học, chuyên gia đều không xem đây là tượng xà thần, mà là tượng rồng.

Nhưng theo PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Đó là rắn thần. Chính tôi, khi thẩm định, đã đề nghị ghi tên bức tượng là xà thần. Đây không phải là rồng. Đó là xà thần thời Lý. Hình dáng là rắn rất rõ nét. Về dấu ấn kỹ thuật và phong cách, tôi thấy đây là tác phẩm thời Lý rất rõ nét”.

Nhận định tượng xà thần có cơ sở, khi liên quan đến huyền sử về Thái sư Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên đầu tiên ở nước ta.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) mùa Xuân năm 1096 thời Vua Lý Nhân Tông, như sau: “Mùa Xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ, vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.

Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy, Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.

Các sử gia đều thống nhất, đây là vụ án oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, thể hiện mâu thuẫn giữa Phật giáo và Nho giáo.

Vì là án oan, nên nhiều người cho rằng bức tượng xà thần gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án “hóa hổ giết vua”.

Điều này càng có cơ sở, khi ít ai tạo hình rồng để nói về một vị quan. Thêm vào đó, việc cắn xé thân mình nói về sự hối hận vì đã nghi oan Thái sư, một bên tai lành, còn một bên tai bịt kín của pho tượng, được suy đoán tương ứng với việc nghe lời xàm tấu.

 Tai bên phải tượng xà thần bị bịt kín.

Về niên đại bức tượng thì hiện nay chưa có sự thống nhất. Có chuyên gia khẳng định là thời Lý, có người lại cho rằng phải sau thời Lý, mà cụ thể là thời Hậu Lê.

Dù còn nhiều điểm chưa thống nhất, song bất cứ ai từng chiêm ngưỡng pho tượng đều thừa nhận đây là một kiệt tác tạo hình, độc đáo.

Vì thế, tượng xà thần đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ sớm vào đợt 2, năm 2013.

Bài và ảnh: HOÀNG HOÀNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.