Lộp độp, lộp độp. Những âm thanh quen thuộc như thế vô tình in đậm vào tâm trí đám trẻ quê mỗi buổi sáng tinh mơ nơi mái hiên ngóng mẹ trở về.

Chưa kể những hôm trời nổi gió bất ngờ. Những cơn gió từ sông thổi vào luôn luôn mát lành, trong trẻo. Đủ để ngồi trong nhà cũng có thể lắng nghe tiếng gió giễu cợt trên những tán cây xanh. Rõ nhất phải kể đến là tiếng lá trên những ngọn tre va đập vào nhau xạc xào, tựa như bản tình ca giao mùa bất hủ. Lẫn trong tiếng vài chiếc lá mỏng manh, ngả rạp vào nhau trước cơn gió trái mùa lồng lộng băng qua, là tiếng gió bén vào lớp lá khô rụng đầy khoảng sân rộng lớn, tựa như chiếc chổi tre nội quờ quạo quét lá, châm lửa đốt cháy tanh tách phía sau hồi. Đủ để nghe hương thơm dìu dịu từ những chùm hoa bưởi trắng ngần, bụi sả, nhánh hương nhu bám víu trong cơn gió thu thông thốc ùa về, làm nỗi nhớ nhung ngoi mình bật dậy.

leftcenterrightdel
Minh họa: Lê Hải. 
Nội tôi thường sợ những mùa gió đi qua và đột nhiên trở lại mang theo nỗi đau thấu buốt theo cùng. Tuổi già như những chiếc lá úa màu, luôn sợ những cơn gió mùa lủng lẳng, bẻ gập những tàu lá vàng bị nắng hong khô thành ra huơ hoác, xiêu vẹo, ngả rạp bốn chung quanh gốc cây nơi mảnh vườn nhà. Những hôm trái gió trở trời, nghĩ đến cảnh nội luôn rền rĩ bởi cơn đau của tuổi già mà thương. Những lúc như thế, tôi thường túc trực cạnh bên, xoa bóp cánh tay, đôi chân để nội bớt đau đớn thể xác phần nào. Lâu dần thành ra quen thuộc, chỉ cần thấy nội sấp ngửa kêu than là mọi người trong gia đình tôi đều như đoán được tiết trời giao mùa đã đến.

Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy luôn mong ngóng những cơn gió ngoài sông thổi về, để mang cánh diều cha miệt mài đẽo gọt từ những nhánh tre khô, tạo thành chiếc diều thật to gánh gồng cả một dàn sáo trúc đủ đầy âm thanh vang vọng. Từng bàn chân trần của đám trẻ con chạy nhảy trên triền đê mải miết theo cánh diều chao liệng, bỏ mặc cơn gió thốc lên xơ xác những mái đầu. Nhớ những đêm hôm rằm, trải chiếu nằm ngoài sân nghe tiếng sáo diều đi lạc dưới ánh trăng non mà thương hoài chú Cuội, thẫn thờ ngồi bên gốc đa lẻ loi, một mình nhìn về dương gian kiếm tìm một hình bóng thân quen trong tuyệt vọng mà buồn. Để rồi những đêm hôm rằm sau đó, tụi trẻ quê lại nũng nịu cha thả lên cung trăng những cánh diều vi vút, cho chú Cuội có người bầu bạn qua cơn bĩ cực, cô đơn những đêm dông dài.

Đám trẻ con thuở xưa như người già vẫn thường dí dỏm, chỉ cần hít căng lồng ngực những ngụm gió chiều cũng phổng phao khôn lớn. Đứa bỏ quê ra phố, kẻ chạy phố về quê sau những tháng năm mưu sinh. Số ít ỏi chịu ở lại nơi mình chôn nhau cắt rốn mà sống như những bụi cỏ dại ven đường, vùi mình vào sông nước mênh mông, tanh nồng bùn đất. Lâu lắm mới có dịp ngồi với nhau ôn lại bao kỷ niệm một thời xa lắc mà trong lòng ai cũng thổn thức, rưng rưng.

Rồi nội cũng mất giữa những mùa gió đi qua đủ giày vò nỗi đau theo thời gian không ngừng dai dẳng. Tôi trở về thăm nội một chiều mưa bay, thấy đau đáu những niềm thương dang dở theo bước chân hoang hoải kiếm tìm. Song chỉ thấy xung quanh là tiếng gió lùa tựa giọng nói của nội như những ngày xưa, muôn vàn trìu mến.

Một mùa gió nữa lại bảng lảng bên trời, như gợi nhớ cho ta bao hồi ức tươi đẹp về một thời tuổi thơ khốn khó. Gợi nhắc ta về bao mùa gió đã đi qua, mang theo những mùi hương của làng quê nồng nàn phảng phất. Gợi nhớ cho ta về những ngày xưa đói no từng bữa cơm, manh áo nhưng tình người thì luôn luôn tồn tại. Bởi mỗi mùa gió qua đi không phải là mốc thời gian khiến ta chối bỏ, mà là hoài niệm giúp ta tìm về, nhìn lại mình, nhìn lại đời sau những được mất mà ta vô tâm đánh đổi sau những tháng năm miệt mài rong ruổi phố thị-ngược xuôi...

Tản văn của SONG NINH