Là một người lính, tôi đã hành quân qua nhiều cung đường, đi qua biết bao cây cầu, nhưng không hiểu sao, khi vừa bước chân lên đầu cầu Long Biên, tim tôi lại đập khẽ một nhịp lạ thường. Có gì đó nghèn nghẹn nơi lồng ngực, như thể tôi đang đi giữa ký ức, không phải chỉ của riêng mình. Trên cây cầu ấy, hơn nửa thế kỷ trước, từng đoàn quân ra trận đã đi qua.

Có người trở về, có người hóa thành tên đất, tên làng. Những đêm B-52 rải bom xuống Thủ đô, cầu Long Biên gãy làm đôi trong khói lửa rồi chính bằng bàn tay của những người lính công binh, của các anh chị công nhân đã vượt sức thiên nhiên, nối lại những bờ vui cho ngày vui đại thắng.

Ảnh minh họa: dantri.com.vn 

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh. Nhưng hôm nay, khi chạm tay lên một thanh lan can lành lạnh gió sông, tôi lại mường tượng nơi đây từng in dấu chân của những chiến sĩ Điện Biên, người công nhân hỏa xa, cô gái hậu phương gùi gạo đến ga mang ra tiền tuyến... Tất cả đều từng lặng lẽ đi qua cây cầu này như một khởi đầu cho hành trình sống và hy sinh vì Tổ quốc. 

Ngày bé, tôi được bà nội kể rằng, bà từng đứng bên đầu cầu tiễn ông tôi ra ga để lên tàu vào miền Nam chiến đấu. Họ không dám nắm tay nhau giữa ban ngày, nhưng ánh mắt thì đong đầy những điều chưa kịp nói. “Bà đứng nhìn theo cho đến khi ông chỉ còn là một chấm nhỏ cuối đường ray”-bà bảo: “Lúc ấy chỉ mong chấm nhỏ ấy còn quay lại, dù chỉ một lần...”. Chiến tranh là thế!

Tôi là cháu của một người lính đã may mắn được sống trong hòa bình. Hôm nay, khi đứng trên cầu Long Biên, tôi thấy mình như nghe được cả tiếng lòng của bà và biết bao người mẹ, người vợ, người yêu đã từng tiễn con, tiễn chồng, tiễn người yêu trên chính nhịp cầu này. Thì ra, mỗi bước chân qua cầu Long Biên, là một bước chân qua dằng dặc thương yêu...

Tôi rời cây cầu khi mặt trời đã lặn khuất sau những mái nhà phố cổ. Phía xa, ánh đèn phố Hàng Đậu đã nhòe sau sương bụi. Dọc hai bên đường, những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió. Gió sông thổi ngược. Và tôi biết: Mỗi lần người lính đi qua cầu Long Biên là mỗi lần nhắc mình không quên một thời đã qua và sống sao cho xứng với những người đã từng bước chân qua nơi ấy bằng tất cả niềm tin và hy vọng.

ĐÀO NGỌC LÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.