Đó là vấn đề nói thật. Nhất là sau khi người đứng đầu Chính phủ ta đưa ra thông điệp đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội phải “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”.
Còn nhớ cách đây 35 năm, từng có không ít chuyện bức bối vì cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài dai dẳng khiến không khí xã hội lúc đó cảm tưởng ngột ngạt như không có lối ra thì tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được khởi xướng tại Đại hội VI của Đảng được ví như một luồng sinh khí mới làm thay đổi không khí, tinh thần xã hội. Đó không chỉ là tuyên ngôn đanh thép, là mũi nhọn tiến công vào “sào huyệt” trì trệ, bảo thủ là căn bệnh trầm kha có nguy cơ làm lung lay thể chế, khủng hoảng đời sống kinh tế-xã hội, mà đây chính là gốc rễ, là động lực căn bản để góp phần làm thay đổi ý thức xã hội.
 |
Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo |
Triết học mác xít chỉ ra rằng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nhưng ý thức xã hội cũng có thể vượt trước để dẫn dắt và bảo đảm cho tồn tại xã hội duy trì theo hướng văn minh, tiến bộ. Một xã hội đề cao lẽ phải, tôn trọng sự thật, cổ vũ tinh thần nhìn thẳng, nói đúng, nói thật là biểu hiện của một xã hội ưu việt. Ngược lại, khi để cho tệ nói giả, nói dối lên ngôi thì nguy cơ đạo đức suy đồi, văn hóa bên bờ vực thẳm là khó tránh khỏi.
Hơn ba thập niên đổi mới, nhờ có ánh sáng sự thật soi đường chỉ lối mà chúng ta từng bước khắc phục được chủ nghĩa giáo điều, căn bệnh chủ quan duy ý chí từng ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, từ đó tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới đã được định hình để từng bước làm xoay chuyển tình thế cách mạng, góp phần tạo nên những kỳ tích về kinh tế, xã hội và làm thay đổi diện mạo, vị thế đất nước. Như vậy, sức mạnh của sự thật, của những đánh giá thật, của những lời nói thật là một trong những yếu tố cơ bản góp phần tạo nên những thành công của sự nghiệp đổi mới.
Bẵng đi một thời gian, tinh thần nghĩ thẳng, nói thật có lúc, có nơi bị chùng xuống bởi tâm lý ngại đụng chạm, sợ mất lòng nhau của một số người Việt lại trỗi dậy; bởi cơ chế xin-cho như một thứ ung nhọt tuy đã được chẩn đoán, chữa trị nhưng vẫn chưa có phương thuốc hiệu nghiệm và bởi tình trạng nịnh nọt, ton hót nhau đang như vết dầu loang lan ra nhiều nơi trong bộ máy công quyền. Một phần vì cả nể, phần khác vì sợ sệt, vì lo mất lợi ích, bổng lộc mà thời nay, nhiều “người nhà nước” ở các cấp, các ngành không chỉ ngại nói thẳng, nói thật, mà còn luôn ở tư thế phòng thân, an phận thủ thường, mũ ni che tai, thậm chí che giấu khuyết điểm, nói dối như cuội, nói điêu như thần.
Trong khi ở nhiều nơi cấp dưới đã tìm mọi cách để “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, uốn éo “đầu môi chót lưỡi” nhằm làm hài lòng, “mua vui” cấp trên, thì cấp trên lại chủ quan, ưa nịnh, thích dùng người cùng phe cánh, ngại nghe lời trung ngôn, lánh xa bậc trung thần, đã vô hình trung cổ súy cho thói nói giả, bệnh nói dối lên ngôi, lộng hành! Hệ lụy kéo theo là khuyết điểm trong nội bộ bị che dấu, sai phạm bị bưng bít, còn những kẻ “tài năng có hạn, thủ đoạn vô biên” vẫn nhởn nhơ và không khí dân chủ trong tổ chức, cơ quan, đơn vị bị coi nhẹ, xem thường!
Nói thật về tệ giả dối trong một bộ phận không nhỏ của người Việt thời nay không phải là “vạch áo cho người xem lưng” hay chê bai, hạ thấp nhân cách người Việt như ai đó lo ngại thái quá, mà phải thẳng thắn cảnh tỉnh, cảnh báo đây chính là một nguy cơ không thể xem thường đối với sự phát triển của cộng đồng dân tộc, xã hội, thể chế chính trị.
Nói thật về tệ giả dối là chúng ta tự phản tỉnh, tự nghiêm khắc với chính mình để không sa đà, cổ xúy cho tình trạng ăn theo nói leo, ưa lời ngon ý ngọt, sống trong hào quang giả tạo bởi những câu từ vuốt ve sáo rỗng, những mỹ từ phỉnh nịnh có thể đầy “chất thơ” mà cũng có thể hàm chứa cả “chất độc” mà khi đã dính “bả” rồi sẽ khó gỡ ra.
Và nói thật về tệ giả dối cũng là một lần tiếp sức tinh thần, khí thế “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đại hội VI của Đảng tiếp tục được phát huy và trở thành dòng chủ lưu, mạch nguồn chính trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo ra một sức mạnh mới, sức bật mới thúc đẩy đất nước tiến lên.
TRUNG NGÔN