Cho đến nay, những loại hình nghệ thuật truyền thống này đòi hỏi người theo đuổi đều phải dày công nghiên cứu, học tập và khổ luyện. Như các vở cải lương hay các bài đờn ca tài tử, để tổ chức và trình diễn đúng với văn hóa truyền thống cần đội ngũ diễn viên được đào tạo cơ bản, có tình yêu và nhiệt huyết với nghề. Người xem và thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cần có kiến thức, đam mê, trách nhiệm. Hiện nay, để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, cần quan tâm hơn nữa đến việc phục hồi các vở diễn, làn điệu gốc tuồng cổ, cải lương, đờn ca tài tử, hát bội... Điều đó đồng nghĩa với công tác sưu tầm, ghi chép lại từ các nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa... để có tư liệu lưu trữ và tuyên truyền, phổ biến.

leftcenterrightdel
Đại tá, NSƯT Lê Thị Thu Giang . 

Để lan tỏa rộng rãi các loại hình này cũng cần có kế hoạch, chiến lược xây dựng và đưa vào hoạt động biểu diễn thường xuyên tại các nhà hát, trên sóng phát thanh, truyền hình và không gian mạng, tại các sân khấu lớn của thành phố. Bên cạnh đó, cần đổi mới cách dàn dựng nhưng không được làm mất đi bản sắc nghệ thuật riêng biệt của từng loại hình. Việc phổ cập, lan tỏa các loại hình nghệ thuật truyền thống tại các trường học cũng nên được xem là việc làm cần thiết để gìn giữ và bảo tồn tinh hoa dân tộc cho lớp trẻ. Xét cho cùng, chính giới trẻ mới là chủ thể, giữ vai trò quyết định đến chiến lược, giải pháp, hiệu quả bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật, di sản văn hóa ông cha để lại. Thành phố cũng cần đầu tư ngân sách hợp lý, có kế hoạch cụ thể, thường xuyên và lâu dài trong các hoạt động biểu diễn; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo... về các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhằm thu hút người dân, trong đó có giới trẻ, để họ có cơ hội nghiên cứu, học tập, thưởng thức.

-------

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh:

Phát triển nghệ thuật truyền thống bằng công nghiệp văn hóa

Với đặc thù là trung tâm kinh tế-xã hội, văn hóa ở phía Nam, TP Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử văn hóa đa dạng, phong phú, hội tụ nhiều loại hình văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống, mang sắc thái của các vùng miền trong cả nước và nhiều loại hình văn hóa từ nước ngoài du nhập. Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên các chính sách để phát triển văn hóa, xây dựng thiết chế, công trình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, có một thực tế là sức sống của các loại hình văn hóa dân gian, dân tộc vẫn chưa được khai thác, thể hiện xứng tầm. Điều này trái ngược với sự phát triển khá mạnh mẽ của các loại hình văn hóa du nhập từ nước ngoài, được tiếp sức bởi môi trường internet và mạng xã hội. Một số nghệ sĩ nước ngoài khi đến TP Hồ Chí Minh biểu diễn hay các chương trình do doanh nghiệp tư nhân tổ chức theo các gameshow đã tạo được sức hút, mang lại nguồn doanh thu lớn hơn rất nhiều lần so với các chương trình đờn ca tài tử, hát chòi, cải lương, kịch, dân ca... vốn ngày càng ít được tổ chức, sức hút kém.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa 

Để gìn giữ và phát huy sức sống của các loại hình văn hóa truyền thống, TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch, xây dựng công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa kèm theo các chính sách, ưu tiên, hỗ trợ cụ thể. Với sự phát triển năng động, đặc thù đô thị lớn, thị hiếu văn hóa cao, đa dạng của TP Hồ Chí Minh thì sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa đòi hỏi phải có sự đầu tư phát triển các công trình văn hóa, với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn... có tiềm lực về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực văn hóa... Bên cạnh đó, căn cứ vào Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh để xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với đời sống tinh thần, thị hiếu, sự quan tâm của người dân thành phố nhằm tạo môi trường, thúc đẩy văn hóa phát triển, vận hành trong cơ chế thị trường. Các cơ chế, chính sách ấy cần hướng đến sự đồng bộ, nhất là đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực quản trị kinh doanh văn hóa; hỗ trợ vốn ưu đãi cho các dự án, chương trình văn hóa sản xuất theo phương thức công nghiệp; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sáng tạo, sản xuất, phân bố, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa. Đa dạng các loại hình đầu tư tài chính, hợp tác công tư, hợp tác vốn nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước... trong sản xuất các chương trình văn hóa, sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa. Khi công nghiệp văn hóa được hình thành có tính chuyên nghiệp, hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ giúp cho các loại hình văn hóa giàu bản sắc của TP Hồ Chí Minh tỏa sáng, phát triển bền vững, trở thành một yếu tố thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.