Cứ đến mỗi mùa hoa, cây lộc vừng cổ thụ như biến thành ngọn đuốc khổng lồ bùng cháy trên nền trời rực rỡ. Từ ngọn đuốc, những đốm sáng đỏ lung linh rơi xuống mặt hồ, trôi dập dềnh theo sóng nước tạo nên một tấm thảm đỏ thiên nhiên tuyệt mỹ.

Hồi nhỏ, trong những lần theo cha thắp hương tưởng kính công đức của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, và ngồi nghỉ dưới tán lộc vừng, cha tôi thường kể câu chuyện mà cha đã được nghe từ thời cụ, kỵ kể lại: “Cây lộc vừng vừa là một chứng nhân lịch sử của mảnh đất và con người xã Sơn Đông vừa gắn liền với câu chuyện về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn”.

leftcenterrightdel
 Cây lộc vừng cổ thụ trước cửa Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. 
Chuyện kể rằng: Vào những năm cuối thế kỷ XIV, nhà Trần trên đà suy sụp, khó tránh khỏi sự tan vỡ. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán khi ấy đã cho con trai và con dâu là Trần Án và Lê Thị Hoàn đi lánh nạn chờ thời cơ gây dựng nhà Trần. Vợ chồng Trần Án đến đất Sơn Đông, cảm nhận được sự hài hòa của trời đất nên cắm sào định cư lạc nghiệp tại đây. Ít lâu sau, ông bà sinh được một người con trai tuấn tú đặt tên là Trần Nguyên Hãn. Ngay từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn đã tỏ ra là người thông minh, sắc sảo, văn võ song toàn. Lên 10 tuổi ông đã thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh; 16 tuổi, ông tập hợp trai tráng lập nghĩa binh đánh giặc. Năm Đinh Tỵ (1417), Trần Nguyên Hãn nghe theo tiếng gọi của non sông, đến Lam Sơn tụ nghĩa cùng Lê Lợi. Mười năm gắn bó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông cùng Lê Lợi trải qua hàng trăm trận huyết chiến với kẻ thù xâm lược. Cuối cùng, giặc Minh buộc phải bỏ giáo quy hàng và rút quân về nước. 

Sau cuộc khởi nghĩa, Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi phong làm Tả Tướng quốc và được ban Quốc tính nhưng ông xin về hưu trí tại quê nhà. Năm Kỷ Dậu (1429), Lê Lợi nghe lời sàm tấu của gian thần tố cáo Trần Nguyên Hãn thông đồng với Tù trưởng địa phương làm phản nên đã ban Tờ chiếu bắt giam Trần Nguyên Hãn, ông liền tự sát để chứng minh sự trong sạch. Hai mươi sáu năm sau, vua Lê Nhân Tông đã xuống chiếu minh oan cho ông. Đến đời nhà Mạc, ông được truy phong là Tả Tướng quốc. Sau khi Trần Nguyên Hãn chết, nhân dân địa phương cảm phục tài đức của ông nên đã xây Đền thờ tự. Ngôi Đền uy nghi, bề thế được xây trên chính mảnh đất của gia đình ông. Trước cửa Tam Quan, để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân trồng một cây lộc vừng.

leftcenterrightdel
Cây lộc vừng mang thế "Cửu long khởi vũ" (9 con rồng cùng múa) được chứng nhận là Cây di sản Việt Nam bởi tuổi đời, dáng cây cũng như ý nghĩa lịch sử gắn với truyền thống văn hóa nhân dân xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vậy là đã gần 600 năm, cây lộc vừng đó vẫn trường tồn đến ngày nay như minh chứng cho uy danh bất diệt và khí tiết của người Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn. Trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao sự đổi thay của lịch sử nhưng cây vẫn giữ được cốt cách thanh tao, tự tại “Lão mộc độc trụ”. Cây cao khoảng hơn chục mét. Thân to chừng 3 người lớn ôm không xuể. Vỏ cây xù xì bạc trắng vì tắm nắng gội mưa. Điều đặc biệt hơn mỗi mùa cây lại mang một hình vẻ. Vào chính mùa hoa, toàn cây đỏ rực nhìn như hình một trái tim son sắt với lời thề Trung quân. Mùa xuân với những lộc non mơn mởn, trong tiết trời trong xanh, cây mang thế “Cửu long khởi vũ” (9 con rồng cùng múa). Còn khi trời phảng phất mưa bụi, những cành cây mềm mại vươn lên như những làn hương trầm lặng lẽ hòa vào trời đất tri ân công lao của vị dũng tướng nước Việt.

Thủa ấu thơ, cây lộc vừng là tụ điểm của lũ trẻ chúng tôi chơi chắt, cướp cờ, kéo co… Đến cuối thu, đầu đông, khi lá Lộc vừng ngả màu vàng tơ rồi chuyển sang vàng chanh và ào ạt trút xuống, thân cành lộ nguyên chứng tích của năm tháng. Tôi vẫn nhớ, cụ Trần Văn Thi, thành viên trong ban quản lý di tích đền Trần Nguyên Hãn ở thôn Đa Cai, cho biết rằng Bố cụ (Trần Văn Lãm) một du kích quân thời tiền khởi nghĩa. Cụ Lãm đã kể rằng: “Cây Lộc vừng có anh linh của thần, thánh che chở cho dân làng. Những năm trước đây, khi sông Đà, sông Lô chưa được trị thủy, hằng năm, mỗi khi tháng 6, tháng 7 về, nước lớn tràn ngập đồng ruộng, nước ngập đến ngang thân cây lộc vừng, từng đàn cá vàng tung tăng bơi lội, đầu hướng về phía cửa Đền, người ta gọi là đàn cá chầu. Năm nào có cá chầu xuất hiện, năm đó nhân dân trong vùng bình an, không có tai ương, hạn dịch. Trong chiến tranh, cây Lộc vừng là đài trạm quan sát tình hình địch và những hốc cây trên cao là hòm thư bí mật của cách mạng. Tuy trèo cao và tình hình thập phần nguy hiểm, nhưng dường như được cây Lộc vừng che đỡ nên không có du kích nào bị thương do ngã hay bị đạn địch”. Nghe chuyện của ông, chúng tôi thành kính ngước lên nhìn những cành cây xù xì mà thầm liên tưởng đến vòng tay gân guốc, chai sạn của cha, mẹ, rồi thầm nguyện ước bình yên cho gia đình và bản thân.

Trải qua 600 trăm năm tồn tại và phát triển, cây gắn bó mật thiết và là cầu nối dòng lịch sử gắn với đời sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa, tinh thần của người dân quê tôi. Năm 2016, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận Cây di sản Việt Nam dành cho cây lộc vừng trước Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Xét về độ tuổi, cây lộc vừng có thời gian tồn tại lâu đời nhất so với các cây lộc vừng khác trên cả nước. Hình thái, cảnh quan xung quanh cây rất đẹp. Không chỉ đơn thuần là cây cảnh, cây lộc vừng còn mang ý nghĩa lịch sử, gắn với truyền thống văn hóa của đất và người Sơn Đông. Cho đến nay, cây thuộc hàng “Độc nhất vô nhị”, đứng đầu về giá trị thẩm mỹ trong số những Cây di sản trên cả nước”.

Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG