Ồn ào quanh chuyện giải thưởng văn chương 

Dư luận thường quan tâm đến 3 giải thưởng văn chương nổi bật là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là giải thưởng lâu đời, do các nhà văn hàng đầu xét chọn, đồng thời có độ mở cao (tác giả không nhất thiết phải là hội viên, không nhất thiết đang sinh sống ở Việt Nam, chỉ cần tác phẩm viết bằng tiếng Việt nộp lưu chiểu trong đúng thời gian quy định). Trong khi đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chỉ xét tác phẩm của các tác giả đang sinh sống trên địa bàn.

Quang cảnh lễ ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh - tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024. Ảnh: VĂN VỊ 

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là giải thưởng uy tín nhất, rất nhiều tác phẩm đoạt giải đều được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao. Qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, nhiều tác phẩm đoạt giải đều neo lại trong tâm trí độc giả, đó là: “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư), “Và khi tro bụi” (Đoàn Minh Phượng), “Đội gạo lên chùa” (Nguyễn Xuân Khánh), “Sự mất ngủ của lửa” (Nguyễn Quang Thiều), “Xúc xắc mùa thu” (Hoàng Nhuận Cầm), “Thi pháp thơ Tố Hữu” (Trần Đình Sử), “Nhà văn Việt Nam hiện đại-Chân dung và phong cách” (Nguyễn Đăng Mạnh), “Nghiên cứu văn học-Lý luận và ứng dụng” (Nguyễn Văn Dân)... Việc được trao giải là vinh dự to lớn của người cầm bút, bảo chứng cho giá trị tác phẩm, lưu danh đến mai sau.

Tuy nhiên, trong khoảng hai thập kỷ gần đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường xuyên có ý kiến nhận định trái chiều. Bên cạnh “tâm phục khẩu phục”, một số tác phẩm thực sự giá trị, còn nhiều ý kiến băn khoăn về giải thưởng như: Vì sao nhiều năm liền “bỏ trống” hạng mục thơ? Vì sao thường trao giải cho tác phẩm lý luận phê bình do nhà văn viết, trong khi nhiều công trình học thuật của các nhà nghiên cứu bị “ra rìa”? Nhất là băn khoăn về việc không ít tác phẩm không xứng tầm để đoạt giải. Đi cùng với đó là hàng loạt nghi vấn: Có hay không việc trao giải thưởng cho người thân quen, cánh hẩu?

Có câu hỏi thì người trong cuộc đã trả lời thẳng thắn, giải tỏa băn khoăn. Như việc nhiều năm “bỏ trống” hạng mục thơ, theo nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam: “Mỗi năm có rất nhiều tập thơ xuất bản nhưng nổi trội chất lượng không có nhiều, chưa đạt được các tiêu chí của hội đồng xét chọn đưa ra. Cả đời người viết có khi chỉ được một câu thơ, một bài thơ hay. Thực tế chứng minh, hàng trăm năm mới xuất hiện một thiên tài thơ ca. Thế nên, 2-3 năm không có tập thơ nổi trội để trao giải cũng là bình thường”.

Có câu trả lời không công khai như việc trao giải thưởng cho tác phẩm lý luận phê bình do nhà văn viết. Một lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam từng nói với chúng tôi cách đây nhiều năm, đại ý: Những người bỏ phiếu trao giải thưởng đều là nhà văn, họ không hiểu các công trình học thuật hàn lâm, không hiểu thì không trao giải. Họ thích tác phẩm lý luận phê bình do các nhà văn viết vì dễ đọc, dễ hiểu và có thể học hỏi chuyện “bếp núc nghề nghiệp”.

Nhưng có câu hỏi rơi vào im lặng không lời đáp bởi người trong cuộc không bao giờ hé lời, để lại nghi ngờ trong chính giới cầm bút và dư luận xã hội.

Việc trao giải thưởng đều dựa vào quy chế chặt chẽ, xét về lý thì không có vi phạm. Nhưng liệu có tình cảm riêng tư, lợi ích nhóm trong việc trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hay không? Một khoảng thời gian dài, thậm chí cho đến nay, những lời giải thích chưa đầy đủ, minh bạch đã khiến “tính thiêng” của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam ít nhiều bị giảm sút.

Coi trọng giá trị, uy tín giải thưởng

Khi bàn về các giải thưởng văn chương, có ý kiến cho rằng, giải thưởng văn chương nào cũng có “vấn đề”, kể cả giải Nobel văn học. Điều này xuất phát từ đặc thù văn chương và cả bản chất của giải thưởng.

Tác phẩm văn chương vốn định tính, đánh giá thế nào tùy vào trình độ kiến thức văn chương, năng lực thẩm mỹ của người tiếp nhận. Cho nên, tác phẩm được vinh danh cỡ nào đi nữa cũng không thể nào được tất cả mọi độc giả yêu thích. Với những giải thưởng được trao hằng năm thì không thể mơ mộng năm nào cũng có tác phẩm vượt trội, chỉ có thể “so bó đũa chọn cột cờ”.

Các giải thưởng văn chương do một nhóm cá nhân quyết định, tùy thuộc vào tâm và tầm của họ. Nếu họ thực tâm muốn xây dựng giải thưởng uy tín thì sẽ công tâm chỉ xét nội dung và hình thức tác phẩm, không để những lý do bên ngoài văn chương tác động. Giữ được sự công tâm, khách quan chính là giữ gìn “tính thiêng” của giải thưởng. Tiếc là điều này thường xuyên bị vi phạm, nhìn rộng ra không chỉ có giải thưởng văn chương.

Về vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương từng bày tỏ thẳng thắn: “Lâu nay, việc xét tặng, trao giải thưởng ở các cấp độ hay các cuộc thi, liên hoan, hội diễn của lĩnh vực VHNT vẫn còn xảy ra một số điều tiếng về sự “chạy” giải, “vận động” hành lang, “lăng xê”, “đánh bóng” hay “dìm hàng”, “ân oán”; thấp hơn là định kiến cá nhân, thỏa hiệp cá nhân... dẫn đến tình trạng ủng hộ những tác giả, tác phẩm chưa xứng đáng, “dìm” và “đánh” những tác giả, tác phẩm tuy có chất lượng cao nhưng bị ghét bỏ, tư thù”.

Trong giai đoạn Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam giảm sút chất lượng thì Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội được dư luận đánh giá cao. Bởi lẽ, nhiều khóa Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội luôn đồng lòng, quyết tâm lựa chọn tác phẩm khách quan, không có ngoại lệ được nâng đỡ. Có thể kể đến một loạt tác phẩm giá trị được hội văn chương Thủ đô vinh danh như: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” (Nguyễn Xuân Khánh), “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (Lưu Quang Vũ), “Gia đình bé mọn” (Dạ Ngân), “Dĩ vãng phía trước” (Ngô Thảo), “Bút pháp của ham muốn” (Đỗ Lai Thúy), “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Trương Đăng Dung), “Những người vũ công Memphis” (Đào Quốc Minh)...

Trong dự thảo nghị định hoạt động văn học có quy định về thành lập giải thưởng văn học quốc gia. Ý định này nếu thành hiện thực sẽ khắc phục bất cập lâu nay liên quan đến giải thưởng hằng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, trao cho chuyên ngành văn học. Vốn dĩ tác phẩm đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là do các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương đề cử. Vấn đề là các hội VHNT chuyên ngành Trung ương, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm cũng trao giải thưởng riêng. Mâu thuẫn ở đây là Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đề cử tác phẩm không phải xuất sắc nhất để Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải. Điều này khiến giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam không xứng tầm với vị thế của tổ chức này.

Giả dụ chỉ có một giải thưởng văn học quốc gia duy nhất, uy tín giải thưởng cũng chỉ có thể được tạo dựng dựa vào chất lượng của các tác phẩm đoạt giải. Muốn vậy, công tác chấm giải trước hết phải đúng quy trình. Quy trình xét giải của nhiều giải thưởng văn chương hiện nay khá giống nhau. Công tác sơ khảo sẽ do các hội đồng chuyên môn thực hiện, lựa chọn tác phẩm ít nhiều có chất lượng trình lên Hội đồng chung khảo. Thường thì hội đồng chung khảo sẽ dựa vào đề cử mà bỏ phiếu, lựa chọn tác phẩm đoạt giải. Hội đồng chung khảo có quyền giới thiệu, bổ sung tác phẩm mới nếu thấy có giá trị văn chương.

Như trường hợp tập truyện ngắn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” (Nguyễn Trí) đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 được xem là sự bổ sung đúng đắn của hội đồng chung khảo, dù không được xét ở vòng sơ khảo. Song đã có một vài trường hợp, quy trình bị vi phạm, thông qua việc lợi dụng “kẽ hở” quy định. Đã có những tác phẩm ở vòng sơ khảo không được hội đồng chuyên môn đề cử vì chất lượng chưa xứng tầm nhưng vì lý do nào đó đã được hội đồng chung khảo “can thiệp” để trao giải. Một nhà văn là ủy viên một hội đồng chuyên môn đã từng bức xúc nói riêng với chúng tôi: Vì lợi ích nhóm, hội đồng chung khảo là lãnh đạo hội đã lũng đoạn giải thưởng, coi thường đề cử của hội đồng chuyên môn.   

Tóm lại, xây dựng một giải thưởng uy tín là việc vừa dễ vừa khó. Dễ vì hằng năm đều xuất hiện một số tác phẩm khá so với mặt bằng chung của nền văn học Việt Nam, chỉ cần có “con mắt xanh” là nhận ra. Khó là làm sao giữ được tính độc lập của giải thưởng, đừng để tình cảm át đi lý trí, đừng biến việc trao giải thưởng trở thành ban phát ân huệ, tri ân tầm thường làm hạ giá văn chương. 

Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, giải thưởng văn chương sẽ chẳng còn sức thuyết phục, không còn tác động định hướng cho giới cầm bút và độc giả, làm nhiễu loạn giá trị văn chương. Văn chương từ vị trí trung tâm của đời sống văn hóa bị đẩy ra ngoại vi, không chỉ vì sự lấn át của phương tiện truyền thông, giải trí, sự thay đổi của thị hiếu công chúng mà còn có nguyên nhân các hội đánh mất vai trò, vị thế, uy tín, biểu hiện cụ thể, rõ ràng là “tính thiêng” của giải thưởng đã vơi đi ít nhiều.

VÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.