Thông thường, chúng ta hiểu việc đọc là quá trình tiếp cận với một văn bản, một hệ thống ký hiệu, giải mã nó để tiếp nhận thông điệp. Thế nghĩa là, đọc là quá trình tiếp cận-giải mã-lĩnh hội thông điệp từ hệ thống ký hiệu có sẵn? Sự thể không hoàn toàn như thế, thậm chí, nó khác xa hoặc trái ngược với cách hiểu như vậy.

Đọc là một hành vi, tiếp cận với hệ thống ký hiệu, nhưng nó không chỉ là lĩnh hội thông điệp từ ký hiệu, từ tác giả-người viết theo kiểu cho nhận. Khoa học văn học với những thành tựu của triết học ngôn ngữ, của thông diễn học đã tạo ra cơ hội cho văn bản có đời sống riêng, không phụ thuộc vào chủ thể tạo ra nó nữa. Tác giả còn can thiệp được gì nữa vào đời sống của tác phẩm.

Đọc trong cái nhìn hiện đại là quá trình người đọc quan sát chính mình, tìm kiếm chính mình từ quá trình tiếp xúc với hệ thống ký hiệu, văn bản. Chúng ta hiểu rằng, ngôn ngữ có đời sống riêng của nó, không phụ thuộc vào ý chí của người kiến tạo ra nó. Nghĩa là nó hoàn toàn có thể được hiểu khác đi, được diễn dịch khác đi, và rất có thể nó sẽ phản bội lại chính người nói-người viết trong một số trường hợp. Một cuốn sách vốn dĩ được viết ra trong ý tưởng của người viết là thế này, nhưng trong đời sống khách quan, độc lập của nó, có thể được hiểu sang nghĩa khác. Một ví dụ khá kinh điển đó là người ta đã đặt ra vấn đề rằng, mấy chương viết về việc Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân mang thông điệp của khởi nghĩa nông dân. Chính vì thế, từ việc đọc, quan sát trở lại các phong cách văn bản, các diễn ngôn trong đời sống xã hội-văn hóa-nghệ thuật... chúng ta hiểu được, tại sao văn bản luật, hành chính công vụ lại đơn nhất về nghĩa, tránh đa nghĩa hoặc tạo ra khả năng để diễn dịch sai nghĩa gốc. Còn trong diễn ngôn văn chương-nghệ thuật, tính đa nghĩa, khả năng tạo lập các trường nghĩa mới, bất ngờ, độc đáo, lại được xem là một thành công, một khoái cảm thẩm mỹ của viết và đọc. 

Ngôn ngữ có đời sống riêng, đồng thời nó có khả năng vẫy gọi trường nghĩa tự thân của nó. Chính vì thế, xung quanh một từ, một chữ là khí quyển mà “con chữ” đó có thể gây nên. Chúng ta thường nói, từ này, chữ này, câu này sáo rỗng, chính là việc các đơn vị đó đã mất đi khả năng tạo lập trường nghĩa xung quanh mình. Tuy vậy, đọc là hành vi của người đọc, môi trường người đọc mới là điều đáng nói ở đây (đồng thời mở rộng ra cộng đồng-thời đại xung quanh người đọc). Một chữ (ký hiệu) khi được một người tiếp cận, nghĩa là chữ ấy được gieo vào môi trường-thế giới của một chủ thể. Chữ ấy sẽ nảy mầm thế nào, đâm rễ, trổ cành, ra hoa kết trái làm sao phụ thuộc vào năng lực của người đọc. Tại sao Truyện Kiều nói mãi chẳng cùng là bởi người đến sau tiếp tục mở rộng thế giới của việc đọc, đem đến những khả năng nảy mầm mới cho từng câu, từng chữ, từng hình ảnh, câu chuyện, nhân vật trong tác phẩm. Từ những góc khác nhau, những phương pháp, cách thức, phương tiện khác nhau... người ta lật giở lại từng trang của tác phẩm, từ đó có những diễn giải mới hơn, khác hơn, thú vị hơn. Đời sống của tác phẩm vì thế mà được kéo dài ra. Kiệt tác chính là những tác phẩm mà người đến sau luôn có thể đọc lại, đọc khác, và tìm thấy những giá trị mới hoặc những thông điệp mới trong tác phẩm.

Đọc phụ thuộc rất nhiều vào người đọc. Người đọc cấp nghĩa cho văn bản, làm nên đời sống của tác phẩm. Tuy nhiên, không phải người đọc là toàn năng, có thể tùy tiện diễn dịch thế nào cũng được. Bất kỳ một diễn dịch nào không có căn cứ dựa trên văn bản, dựa trên những dấu hiệu có thể kiểm chứng từ văn bản, đều rất dễ rơi vào tư biện, suy diễn, xuyên tạc. Trong cái nhìn tổng quát, khi hình dung về việc viết (tạo lập hệ thống ký hiệu) và đọc (tiếp cận-giải mã-diễn giải hệ thống ký hiệu), nắm được tính độc lập khách quan của ngôn ngữ, đặc trưng của văn bản văn học (tính đa nghĩa, thông điệp gián tiếp...), khả năng và giới hạn của diễn giải văn học, chúng ta hiểu hơn về bản chất thực sự của đọc.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM