Trong khi đó, đọc sách, báo giấy thường khiến người đọc nghiên cứu kỹ hơn, nhớ lâu hơn... Đặc biệt, với người chính trị viên ở đơn vị cơ sở, việc xây dựng văn hóa đọc sách, báo giấy là rất cần thiết nhằm góp phần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giải trí... tại đơn vị. Vì vậy, Trường Sĩ quan Chính trị luôn coi trọng, khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên đọc sách, báo giấy...

Vào phòng đọc sách của Thư viện Trường Sĩ quan Chính trị một ngày chủ nhật giữa tháng 3, chúng tôi thấy khá nhiều học viên đang chăm chú đọc sách. Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Trường Giang, học viên Đại đội 28, Tiểu đoàn 10 đang mải mê đọc và ghi chép một số nội dung trong cuốn “Chữ “Đồng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, chia sẻ: “Tranh thủ ngày nghỉ, tôi đến thư viện đọc sách với mong muốn học hỏi, tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng, nhất là những nội dung về phương pháp, tác phong của người cán bộ, người chính trị viên trong Quân đội-những điều mà tôi rất cần sau khi tốt nghiệp, về đơn vị cơ sở công tác trên cương vị chính trị viên”.

Trung úy Nguyễn Nhị Hà, người phụ trách phòng đọc cho biết: “Mỗi tuần thư viện phục vụ hơn 1.500 lượt cán bộ, học viên đến mượn sách và đọc sách, báo. Khi tiếp nhận những loại sách mới, chúng tôi tranh thủ dành thời gian nghiên cứu nắm nội dung cốt lõi rồi tổ chức giới thiệu, thảo luận, trao đổi để tạo sự hứng khởi cho học viên tìm đọc”. Bên cạnh hoạt động đọc sách tại thư viện, vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, nhiều cán bộ, học viên còn tranh thủ ngồi đọc sách, báo quanh khuôn viên khu nhà ở.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị đọc sách trong giờ giải lao. 

Thượng tá Trần Xuân Chuyên, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 10-đơn vị quản lý học viên năm thứ tư, cho biết: “Đọc sách, báo là việc làm thiết thực, bổ ích, giúp học viên học hỏi thêm kiến thức sau bài giảng, đồng thời nhằm tích lũy kinh nghiệm để sau khi tốt nghiệp ra trường có thể tổ chức các hoạt động phòng Hồ Chí Minh tại đơn vị một cách hiệu quả. Từ lợi ích thiết thực này, hầu hết học viên của Tiểu đoàn đều coi đọc sách, báo là nhu cầu tự thân và đọc ở mọi nơi, mọi lúc có thể".

Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Kiệt, Trưởng ban Công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng tổ chức, duy trì có nền nếp hoạt động đọc sách, báo, coi đây là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần, giúp cán bộ, học viên nâng cao nhận thức, hiểu biết về các lĩnh vực, đồng thời nhằm góp phần ngăn chặn các loại văn hóa phẩm độc hại thâm nhập vào đơn vị; có nhiều giải pháp động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên đọc sách, báo, xây dựng kế hoạch cho học viên đọc sách, báo ở thư viện nhà trường và phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị học viên. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cán bộ, giảng viên, học viên, Thượng tá Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng ban Thông tin tư liệu, Trường Sĩ quan Chính trị cho biết, những năm gần đây, đơn vị đã tăng cường đầu tư, bổ sung thêm cơ sở vật chất cho hệ thống phòng đọc của thư viện, phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị học viên.

Hiện phòng đọc của nhà trường có khoảng 41.000 đầu sách với hơn 283.500 bản sách; lượng sách luân chuyển giữa các phòng Hồ Chí Minh, tủ sách pháp luật của một đại đội học viên là hơn 740 cuốn. Ngoài những đầu sách phục vụ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, còn có nhiều loại sách về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, y học... Thư viện thường xuyên tổ chức viết, làm video giới thiệu sách chuyên đề; tổ chức thi “Đại sứ văn hóa đọc” để giới thiệu, khuyến khích đọc sách, lan tỏa những cuốn sách hay.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để xây dựng văn hóa đọc cho bộ đội, chỉ huy các đơn vị còn tổ chức, duy trì các tổ đọc sách thư viện, nhóm hoạt động phòng Hồ Chí Minh. Các tổ, nhóm này vừa có nhiệm vụ tham gia theo dõi, bảo quản, kiểm kê sách, đồng thời là hạt nhân động viên, khuyến khích học viên đọc sách, báo, hướng dẫn đồng đội tìm kiếm nội dung mà các khoa giáo viên yêu cầu nghiên cứu mở rộng kiến thức sau bài giảng hay các kiến thức bổ ích về pháp luật, Quân đội, kinh nghiệm tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, kỹ năng sống... 

Các hoạt động khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên đọc sách, báo tại Trường Sĩ quan Chính trị đã góp phần xây dựng văn hóa đọc, giúp bộ đội có thêm kiến thức, sự hiểu biết, bồi đắp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tạo hành trang cần thiết để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: BÙI HẢI NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.