Bộ sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” là công trình biên khảo nghiêm túc, công phu, được tác giả Nguyễn Đình Tư thực hiện trong hơn 20 năm. Bộ sách có nội dung tương đối đồ sộ, gồm 6 phần chính với các đề mục, chủ đề được sắp xếp một cách logic, hệ thống. Thông qua mỗi phần, tác giả kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của lịch sử được tổng hợp, phân tích, luận giải cụ thể qua con số, tên gọi, hình ảnh minh họa, nguồn sử liệu tin cậy... Từ đó, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn lịch sử, văn hóa, con người và sự phát triển của TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử.

Bìa tập hai bộ sách. 

 

Tiếp cận nội dung bộ sách, người đọc sẽ hình dung được những nét vẽ sơ khởi, đại cương về địa lý tự nhiên của mảnh đất nơi đây, về thời đại tiền sử, thời kỳ nước Phù Nam, thời kỳ nước Thủy Chân Lạp và những lưu dân người Việt đầu tiên đến làm ăn, sinh sống. Cũng từ đây, trong hành trình dặm dài lịch sử của mảnh đất xa xôi, mỗi người đọc có thể lựa chọn cho mình những dấu mốc, con số, sự kiện khác nhau làm điểm tựa ghi nhớ trong tâm khảm của mình. Đó có thể là dấu ấn khi vùng đất Gia Định chính thức được ghi chép vào địa bộ xứ Đàng Trong của nước Đại Việt: “Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, đặt nền hành chính, sắp đặt việc cai trị trên vùng đất có lưu dân người Việt sinh sống và được vua Chân Lạp thuận nhượng trước kia”. Hay sự kiện nổi bật để mảnh đất nơi đây vươn mình phát triển: “Trong phiên họp ngày 2-7-1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhất trí thông qua đổi tên TP Sài Gòn-Gia Định là TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, nhân dân thành phố mới thực sự vinh dự là công dân của một nước Việt Nam độc lập, của Thành phố mang tên Bác, hăng hái lao vào công cuộc xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp, văn minh tiến bộ”.

Trong bộ sách, tác giả Nguyễn Đình Tư sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, cùng với đó là phương pháp nghiên cứu lịch sử logic nên đưa ra những khái quát, nhận xét và phát hiện mới mẻ, thú vị. Có thể kể đến như khi xác định lưu dân người Việt đến Đồng Nai-Gia Định, tác giả cho rằng: “Mô Xoài tức vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Đây là vùng đất giáp biển, lưu dân người Việt đi từ phía Bắc vào bằng ghe, thuyền tới đây là chỗ đất liền dôi ra biển thì đổ bộ lên, dựng lều trụ lại làm ăn”. Hay khi nhắc về hào khí Đồng Nai-Gia Định trong kháng chiến, tác giả Nguyễn Đình Tư khẳng định: “Ai cũng phải công nhận nhân dân ở đây có một tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ, chịu đi trước về sau... Tinh thần chiến đấu ấy đã được cả nước tuyên dương với 4 chữ vàng Thành đồng Tổ quốc”.

Gấp lại bộ sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, người đọc có thêm nhiều ngưỡng vọng về tinh thần lao động, sáng tạo miệt mài, không ngừng nghỉ của tác giả (cụ Nguyễn Đình Tư năm nay đã 105 tuổi). Bộ sách mà tác giả Nguyễn Đình Tư hoàn thành là nguồn tài liệu tham khảo mang tính tổng hợp cao, được ví như cẩm nang hữu ích chứa đựng đầy đủ thông tin về lịch sử, văn hóa, con người của thành phố vinh dự được mang tên Bác, thành phố “rực rỡ tên vàng” (Tố Hữu).

NGUYÊN ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.