“Hành trình theo chân Bác” kể về dấu ấn kỷ niệm đầy cảm xúc của tác giả và đoàn làm phim với những mảnh đất, con người mà Bác đã từng qua, gặp gỡ trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, đặc biệt là giai đoạn 30 năm bôn ba nước ngoài (5-6-1911 / 28-1-1941).

Cuốn sách mang đến cho người đọc những trang bút ký chân thực, theo suốt cuộc hành trình qua 16 (trong tổng số 30) quốc gia và vùng lãnh thổ mà Bác đã đi qua. Mỗi vùng đất, con người được nhắc đến trong cuốn sách để lại cho người đọc cảm giác vừa mới lạ khi lần đầu tiếp cận, vừa gần gũi như hình dung được theo chân Bác đến nơi đây.

 Bìa cuốn sách.

Nội dung cuốn sách có sự đan cài, hồi cố giữa hồi ức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và góc nhìn hiện tại của tác giả. Việc lựa chọn cách kể chuyện này đã tạo ưu thế hấp dẫn trong điểm nhìn. Từ đó, người đọc có thể tự tái tạo và hình dung bằng tưởng tượng của mình về chuyến đi vĩ đại của Bác.  

Cách kể ấy được sử dụng nhất quán từ đầu đến cuối trong cuốn sách. Khi mở ra chương viết về “Cuộc viễn du bắt đầu”, tác giả gợi mở cho người đọc không khí yên ả, thanh bình đan xen với những ký ức xa xăm: “Chúng tôi đứng giữa bến cảng rộng thoáng, hướng cái nhìn về phía hạ nguồn, thả hồn ra tận chỗ biển khơi, tới những chân trời xa thẳm, đắm chìm trong suy tưởng về buổi xuất dương năm 1911 mà lòng dạ xao xuyến, bâng khuâng... Chuyến ra đi 30 năm của Nguyễn Tất Thành đã trở thành cuộc hành trình kỳ lạ và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Theo dòng thời gian, nó hòa vào ký ức nhân gian với hình ảnh con tàu đô đốc Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn...”.

Cứ như vậy, hành trình của Bác được tái hiện qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đó là Singapore, nơi “lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên lãnh thổ của một xứ sở bên ngoài biên giới Việt Nam”. Rồi hành trình tiếp tục đến với Ấn Độ, Ai Cập... cho đến Pháp, Mỹ, Anh để có cơ hội “tiếp xúc và ngưỡng mộ nền văn minh phương Tây, đồng thời hiểu rõ được lòng dạ của chủ nghĩa tư bản”...

Theo dấu hành trình, độc giả còn được giới thiệu những kỷ vật, địa danh lưu dấu ký ức về Bác. Có thể kể đến như chiếc bàn của khách sạn Omni Parker House ở thành phố Boston (Mỹ): “Riêng chiếc bàn đá bị sứt mẻ một góc từ khi Bác còn làm việc vẫn được giữ nguyên, không thay mới, cũng không sửa chữa”. Hay khách sạn Carlton ở trung tâm thủ đô London (Anh) xưa, nay là tòa nhà New Zealand còn lưu giữ bảng lưu niệm ghi chú về việc Bác từng làm việc nơi đây năm 1913. Qua mỗi kỷ vật, địa danh được giới thiệu, người đọc càng cảm thấy xúc động, tự hào khi hình ảnh của Người được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trân quý, ngợi ca.

“Hành trình theo chân Bác” có điểm dừng thú vị ở cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau 30 năm bôn ba, Bác trở về với quê hương yêu dấu, thân thuộc: “Núi rừng biên cương thâm nghiêm u tịch bao trùm lên bản Nậm Quang của Quảng Tây và thôn Pác Pó của Cao Bằng đã âm thầm chứng kiến ngày trở về vĩ đại của người anh hùng dân tộc... Nó diễn ra vào cái thời điểm mà sau này các nhà chép sử trân trọng khoanh tròn con số “28 tháng Giêng năm 1941” vào đúng dịp Tết đến xuân về nụ đào căng sức sống”.

NGUYỄN ĐỨC HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.