Giải thưởng giới thiệu sách-phần thưởng lớn
Trong những nội dung cần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ thì hướng dẫn thói quen đọc sách, làm theo sách hay, sách quý là một việc quan trọng. Quân nhân ở độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ rất đông trong lực lượng vũ trang, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược. Bởi vậy hướng dẫn, khích lệ tuổi trẻ Quân đội ham đọc sách, tìm sách hay để đọc là nhiệm vụ quan trọng của Thư viện Quân đội và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị.
Cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua, các tác giả ở Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị) đã giành được giải thưởng rất cao. Giải đặc biệt trao cho nhóm tác giả giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Đó là Thiếu tá Đỗ Phương Linh, Trưởng phòng Bổ sung-Xử lý kỹ thuật, Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn và Trung úy Phạm Phương Thảo. Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, giới thiệu sách “Di họa chiến tranh” của nhà văn Minh Chuyên đoạt giải Nhì.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Thạc sĩ Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội cho biết: Cuộc thi này, Ban Giám đốc chỉ định hướng chung còn các em chủ động tìm sách, miệt mài khai thác tư liệu và sáng tạo dàn dựng clip giới thiệu sách để dự thi. Những năm qua, các cuộc thi giới thiệu sách, bằng hình thức sân khấu hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Thư viện Quân đội đều đoạt giải cao.
Hai năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thư viện. Đảng ủy, Ban Giám đốc chúng tôi đã ra nghị quyết lãnh đạo với nhiều chủ trương, biện pháp, đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách báo, tạo bước đột phá với các hoạt động phong phú như: Làm các clip giới thiệu sách; tham gia triển lãm sách trực tuyến nhân các dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử. Các phòng nghiệp vụ đã giới thiệu hàng trăm cuốn sách hay nên đọc và xây dựng hàng chục clip giới thiệu sách, thu hút hơn 150.000 người tiếp cận bài viết, ngày càng thêm nhiều bạn đọc mới đến Thư viện Quân đội.
Hỏi chuyện Thiếu tá Đỗ Phương Linh và Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, chúng tôi được biết, giới thiệu sách trực tuyến là công việc thường xuyên của Thư viện Quân đội. Với bài dự thi xuất sắc được trao giải đặc biệt, Thiếu tá Đỗ Phương Linh chia sẻ: "Giới thiệu sách "Biển xanh màu lá" không chỉ là nghiệp vụ tay nghề mà còn vì tình yêu những người giữ biển, đảo Tổ quốc, yêu thích tác phẩm và có minh họa những tư liệu sống động trong chuyến công tác Trường Sa đầu năm nay".
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thư viện Quân đội còn đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc từ xa như: Cung cấp thông tin; tư vấn hướng dẫn cho bạn đọc sử dụng thư viện trực tuyến; cung cấp danh mục sách và tra cứu sách theo yêu cầu của các học viên các học viện, nhà trường khu vực Hà Nội; sao chụp tài liệu gửi cho các học viên tại các học viện, nhà trường trong quân đội; hướng dẫn phương pháp và kỹ năng tra tìm sử dụng thông tin trực tuyến, nâng cao năng lực tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng.
Với tốc độ phát triển “chóng mặt” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nguy cơ tụt hậu của các quốc gia chậm phát triển. Sự gia tăng thách thức về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ đang đặt ra-nguy cơ mất an ninh mạng, sự đe dọa tấn công mạng từ nhiều phía cùng với sự phát triển của các vũ khí, khí tài thế hệ mới tích hợp công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo đang là thách thức lớn đối với nền quốc phòng, an ninh mỗi quốc gia. Bởi vậy việc bồi dưỡng lập trường, tư tưởng, nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng và tri thức, văn hóa đọc cho Thanh niên Quân đội là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, cấp thiết.
Bồi dưỡng văn hóa đọc cho thanh niên quân đội
Bồi dưỡng văn hóa đọc cho thanh niên nói chung và thanh niên quân đội nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tri thức, trí tuệ, tư duy và nhân cách giúp họ đủ sức “đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ẩn náu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong những “viên đạn bọc đường” rất hiểm độc. Thành quả của văn hóa đọc chính là việc nâng cao nhận thức, trang bị tri thức cho người đọc giúp họ nhận rõ đúng sai; tránh được sự tấn công nguy hiểm từ bên ngoài.
Văn hóa đọc của người Việt Nam, nhất là ở một bộ phận giới trẻ dường như đang có chiều hướng sa sút nghiêm trọng. Họ thích giải trí trên các phương tiện nghe, nhìn hơn là đọc sách. Tuy vậy từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đã giúp nhiều người trở lại thói quen đọc sách, góp phần khơi lên niềm tin về văn hóa đọc.
Đọc là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải rèn luyện tính kiên trì và từ đó hình thành phương pháp, kỹ năng phù hợp với thiên hướng của mỗi người. Cần phát động phong trào đọc sách gắn với giới thiệu quảng bá, định hướng các ấn phẩm có chất lượng của quân đội, đất nước cũng như của nước ngoài để kích thích và định hướng nhu cầu đọc trong Thanh niên. Thành lập các tổ, câu lạc bộ những người ham đọc sách trong đơn vị. Đồng thời cần có các cơ chế chính sách nhằm khích lệ, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong viết sách, đọc sách. Nhân rộng điển hình và tôn vinh những tấm gương đọc sách trong Thanh niên Quân đội.
Thư viện Quân đội luôn thể hiện tốt vai trò là một thư viện khoa học chuyên ngành quân sự hàng đầu của Quân đội trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các thư viện đơn vị hoạt động ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; hướng dẫn các thư viện Học viện, nhà trường tổ chức tốt cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cuộc thi viết Giới thiệu sách trực tuyến do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Nét mới của Thư viện Quân đội là xã hội hóa hoạt động thư viện. Nghĩa là biến thư viện trở thành tài sản chung của toàn quân. Đặc tính xã hội hóa của công tác thư viện, sách báo trong Quân đội là ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sách báo đến với mọi cán bộ, chiến sĩ đồng thời xây dựng thư viện, phòng đọc sách báo của các đơn vị trở thành điểm sáng của văn hóa ở địa phương, nơi đơn vị đóng quân. Với vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số thì thư viện của các đơn vị đóng quân ở đây càng có ý nghĩa tích cực.
Đại tá Trần Thị Bích Huệ cho biết: Năm sau Thư viện Quân đội sẽ phát động cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến trong toàn quân nhằm đẩy mạnh hơn nữa văn hóa đọc trong quân đội.
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ