Với dung lượng 552 trang, sử dụng nguồn tư liệu tham khảo đa dạng, xác tín từ hồ sơ lưu trữ, từ sách, báo, tạp chí, bản đồ Việt - Pháp thế kỷ 19 đến nay; có sự đối sánh, soi chiếu tư liệu kỹ càng; có sự phân định, chia tách nội dung khoa học theo tiến trình thời gian, theo thời kỳ với những dấu mốc cụ thể… đã góp phần làm sáng rõ diễn trình đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ sơ khởi cho đến 1945.
Sự ghi nhận với tác phẩm này, không chỉ là vinh dự cho đội ngũ tác giả, cho Nhà xuất bản mà còn là sự bảo chứng cho một tác phẩm nghiên cứu chất lượng rất cần có đối với độc giả quan tâm tới Nam Bộ nói chung, Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh xưa và nay nói riêng.
Ông Trần Đình Ba, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Được trao giải thưởng uy tín này là động lực để chúng tôi, trong hoạt động xuất bản, cố gắng tìm tòi những bản thảo hay, kết nối được những tác giả uy tín để góp phần cho ra đời những ấn phẩm tốt phục vụ độc giả”.
 |
Tác phẩm “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.
|
Thạc sĩ Cù Thị Dung, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cho biết: “Với những người nghiên cứu không chuyên như chúng tôi, ấn phẩm là kết quả của một quá trình chuẩn bị và nghiên cứu trong một thời gian dài. Ngoài việc thừa hưởng một khối lượng tri thức đồ sộ đã công bố về Sài Gòn - Chợ Lớn từ các thế hệ và nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi còn tiếp cận và xử lý một khối tài liệu lưu trữ lớn hiện đang bảo quản tại các trung tâm lưu trữ, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II”.
“Một số vấn đề còn mới trong chuyên khảo mà chúng tôi đã thực hiện chỉ là những mảnh ghép ban đầu cho một đô thị hàng đầu Nam Bộ. Bản thân Sài Gòn - Chợ Lớn và rộng hơn là Nam Bộ, luôn ẩn chứa các giá trị lịch sử và cần sự chung tay của các thế hệ để viết nên những tư liệu này”, Thạc sĩ Cù Thị Dung nhấn mạnh.
HOÀNG HOÀNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.