“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” được thể hiện qua 10 chương đã nói lên nhãn quan chiến lược, sự sáng suốt và nhạy bén, tinh thần quyết đoán của Bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh. Cuốn sách có những bảo chứng về mặt lịch sử qua điểm nhìn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh chiến dịch và không gian đặc biệt nơi Tổng hành dinh. Đó là những tháng ngày từ thủ trưởng đến cán bộ, nhân viên, mọi người làm việc không tiếc sức mình, phục vụ Bộ thống soái tối cao lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường, hậu phương chiến đấu và chiến thắng.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách. 

Để bắt nhịp với những sự kiện nóng hổi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt người đọc trở lại sự kiện xảy ra từ tháng 12 năm 1972-trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ở đó, đế quốc Mỹ đã thua trong ván bài phiêu lưu cuối cùng, để rồi sau đó chấp nhận ký vào Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh và chư hầu về nước. Mỹ đã cút, ngụy ắt sẽ phải nhào, đúng như lời nhận định của Đại tướng: “Một chặng đường lịch sử đã mở ra. Ánh hào quang chiến thắng lấp lánh ở chân trời. Tương lai huy hoàng của dân tộc đang ở phía trước”.

Sau những chỉ dấu đặc biệt mang tính bước ngoặt ấy, bắt đầu từ chương “Kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ”, người đọc sẽ thấy được không khí khẩn trương, quyết liệt diễn ra nơi Tổng hành dinh. Từng con chữ dường như cũng chạy đua với nhịp đập thay đổi mau lẹ trong hồi ức, dồn nén và hân hoan khi những chỉ đạo chiến lược được đưa ra: “Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”. Cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng và liên tục đến mức khó tin, vòng quay thời gian dường như không còn kịp để phản ánh những gì đang diễn ra thực tế “cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm”.

“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” còn thu hút người đọc bằng những chi tiết đặc biệt. Có thể kể đến những tấm bản đồ được liên tục thay thế, càng ngày tỷ lệ bản đồ càng lớn đồng nghĩa với chiến thắng càng đến gần: “Tại Tổng hành dinh, tấm bản đồ toàn miền Nam nhanh chóng trở thành cũ so với tốc độ phát triển của chiến sự. Các đồng chí cán bộ tham mưu đã thay vào đó một bản đồ Nam Bộ tỷ lệ 1/200.000 chi chít những ký hiệu xanh, đỏ, thể hiện tình hình địch, ta mới nhất trên chiến trường trọng điểm, và một bản đồ Sài Gòn-Gia Định tỷ lệ 1/50.000”. Đó còn là những đêm Tổng hành dinh cùng thức với chiến trường, lòng ai cũng hân hoan đón giờ “G” của trận tổng công kích vào Sài Gòn như đón phút giao thừa của lịch sử.

Gấp lại cuốn sách, ngân vang lên trong những trang hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định. Đó là sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù, thu non sông về một mối. Và cũng trong chính giờ phút hân hoan ngày 30 tháng 4 lịch sử, lòng ta cũng chợt lắng lại, trôi theo những nỗi niềm xúc động của vị Đại tướng: “Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. Giá như còn Bác...”.

NGUYÊN ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.