Vốn học vấn, năng lực giảng dạy thực tế của một nhà giáo đã giúp chị có một phong cách phê bình vừa hàn lâm, chuẩn mực vừa dung dị, mềm mại, tinh tế. “Tài hoa Việt-Từ một điểm nhìn” (Nhà xuất bản Văn học, 2021) là cuốn sách thứ 9, vừa nói lên khu vực phê bình chị quan tâm vừa thể hiện rõ thế mạnh, phong cách của chị.

       Bìa cuốn sách.

Cho phép có một ví von thì "cây phê bình" Trần Thị Trâm cần mẫn cắm rễ sâu vào 3 mảnh đất văn học hiện đại, âm nhạc, giáo dục để cho ra đời những trái tác phẩm phê bình liên ngành vừa có chất lãng mạn bay bổng của văn chương, vừa có sự tinh tế ngân vang của âm nhạc và sự kỹ càng, chi tiết, mực thước của giáo dục. Cuốn sách chia làm 3 phần: Tài hoa văn học, Tài hoa âm nhạc, Tài hoa giáo dục. Thực ra đó cũng là cách chia “khu vực” để bàn về phong cách, nhưng đi sâu vào văn bản dễ thấy tính chất “hội tụ”, xuyên thấm, tương giao của 3 chuyên ngành trên khá rõ. Lối viết của chị là đi từ lịch sử cụ thể đến khái quát đặc trưng. Cái cụ thể lại đặt trong cái tổng thể là bức tranh toàn cảnh có tiểu sử đời tư, tác phẩm, khuynh hướng sáng tạo chung, từ đó rút ra những giá trị tiêu biểu.

Đặc trưng dựng chân dung văn học trong tập sách có thể khái quát vào hai chữ: Lạ, mới. Với nghề viết báo thì khó nhất mà cũng thú vị nhất là cách đặt “tít” bài ấn tượng. Tên bài vừa khái quát cao nhất nội dung trình bày, vừa nói lên đặc trưng của tác giả sẽ luôn được chú ý. Có thể nghề giảng dạy ở môi trường báo chí đã giúp chị có được những cái "tít" hay, ấn tượng như: “Tú Xương với những phóng sự bằng thơ”, “Nguyễn Bính-Người đi tìm hồn xưa đất nước”... Ở khu vực này, chị có chùm bài viết thuyết phục về các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nữ: Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Tôn Phương Lan, Lê Phương Liên, Nguyễn Thị Mai, thể hiện một khía cạnh phong cách phê bình tri âm “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, thấu hiểu hoàn cảnh, thấu cảm những khát khao, những ước mơ để có những trang văn tâm huyết, cảm phục những tài năng, những tấm lòng.

Chị dựng chân dung 7 nhạc sĩ tài hoa: Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Phạm Tuyên, Huy Du, Trần Tiến, nghệ nhân Lê Cần. Đây là những tác giả tên tuổi góp phần làm nên âm nhạc Việt Nam hiện đại. Họ đã được giới nghiên cứu, phê bình âm nhạc xác lập những vị trí không thể khuyết thiếu với những cống hiến đặc sắc. Từ góc nhìn văn chương, chị làm sinh động hơn vẻ đẹp từ những tác phẩm quen thuộc của họ, mà đọc ngay tên bài viết đã thấy được phần nào: “Hoàng Vân-Người viết lịch sử bằng âm nhạc”; “Chất liệu dân gian trong một số ca khúc đỉnh cao của Nguyễn Tài Tuệ”; “Sự gắn bó chặt chẽ giữa thơ và nhạc-Một đặc điểm ca khúc Huy Du”...

Chị viết về những nhà giáo, cũng là những bông hoa văn chương nở trong vườn ươm giáo dục. Đó là những giáo sư văn chương uyên bác, đồng thời là những nghệ sĩ tài hoa đích thực, như: Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Trần Đăng Suyền, Trần Hòa Bình, Chu Văn Sơn... Được chiêm ngưỡng những chân dung này, bạn đọc sẽ thấy mình thêm khát khao học hỏi để nâng cao vốn học vấn, thêm những bài học về tình thầy trò, tình đồng nghiệp, nhất là được mở rộng thêm về phía chân trời mỹ học cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái thiện của văn chương! Văn chương đích thực sẽ làm con người hiểu biết hơn, nhân tính hơn!

Đem tài hoa viết về tài hoa. Lấy tấm lòng viết về những tấm lòng. Đó là điều đáng quý trong cuốn sách của PGS, TS Trần Thị Trâm.

NGUYÊN THANH