Trong tập truyện ngắn “Giữa tầng trời” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2024), sự lựa chọn, tiếp cận đề tài, cách dàn dựng câu chuyện, giọng văn, mạch truyện, xây dựng tính cách nhân vật... của Phạm Vân Anh đều rõ mà không phô, kín mà không bí, nhẹ mà không nhạt. Làm được như vậy, giới chuyên môn gọi là người viết “có nghề”.

Bìa cuốn sách.

Trong tập truyện ngắn này, Phạm Vân Anh tỏ ra khá thành công khi mô tả về những lớp người khác nhau, từ người lính trong kháng chiến chống Pháp: “Pháo gầm trên đỉnh Him Lam”, người lính trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Mười tám mảnh dù hoa”, “Nắng cửa rừng” đến anh bộ đội biên phòng trong “Giữa tầng trời”, “Bếp nồng đêm lạnh”...

Truyện “Giữa tầng trời” kể lại quá trình thực thi cắm mốc trên biên giới phía Bắc của Bộ đội Biên phòng dưới sự chỉ huy của Thượng tá Tuýnh. Có lẽ ông là người am hiểu hơn ai hết mình đang gánh trên vai hai trọng trách của quá khứ và tương lai. Quá khứ của ông gắn liền với sự hy sinh xương máu của bao đồng đội như Toại trong cuộc chiến đấu giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc: “Tảng đá ấy đã mất rồi, mất cùng cái chết của thằng Toại, thằng bạn nối khố của ông từ thuở chốc đầu...”. Còn tương lai lại thôi thúc ông phải đem hết lương tâm và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ quan trọng này để muôn đời con cháu không còn oán trách được những người đi trước như ông.

Không chỉ có người lính già Tuýnh, mà ngay cả Đính, người trực tiếp thực thi nhiệm vụ cũng xác định thật rõ trách nhiệm của mình trước dân, trước Đảng: “Họ có điều kiện bảo vệ quyền lợi của họ, nên anh xác định bằng mọi giá phải kiên trì thuyết phục, tìm đủ mọi lý lẽ để giữ lại từng tấc đất...”. Cuối cùng, ông Tuýnh hạ quyết tâm: “Phải quyết thôi Đính ạ, không còn thời gian nữa. Đời người chẳng cầu gì hơn là cầu an, quốc gia cũng vậy. Giữ được đất, giữ được hòa bình là quyết tâm chiến lược của chúng ta...”. Sự khó khăn, vất vả của Bộ đội Biên phòng không chỉ là sự thiếu thốn về tình cảm hay đường sá đi lại, thời tiết khắc nghiệt mà chính là bằng những việc làm cụ thể rằng các anh phải giữ bằng được từng tấc đất của Tổ quốc nơi biên cương.

“Pháo gầm trên đỉnh Him Lam” là một khúc tráng ca về những chiến sĩ Điện Biên năm xưa với điểm nhìn đầu tiên mà Phạm Vân Anh hướng tới là tạo nên cặp quan hệ đòn bẩy mang tính chất “kinh điển”: Gian khổ và đau thương-đẹp đẽ và cao cả. Càng trong gian khổ, càng toát lên vẻ đẹp của người lính. Trên hành trình lên Điện Biên, các chiến sĩ phải trải qua vô số gian khổ, vất vả, đối mặt với địa hình hiểm trở vùng biên viễn với núi cao, thung sâu, với thời tiết khắc nghiệt lúc nắng gắt, lúc mưa xối xả, với sự thiếu thốn về lương thực, súng đạn và đặc biệt là sự đối đầu ác liệt với đội quân viễn chinh thiện chiến nhất của thực dân Pháp tại các cứ điểm. Trong sự thiếu thốn, gian khổ và hy sinh ấy, người chiến sĩ vẫn có những giây phút lạc quan: “Tiếng cười rinh rích. Anh nuôi gánh cơm lên cho bộ đội, thi thoảng có anh giở giấy gói lại thấy thơ: "Cơm này công lính, tình dân/ Anh ăn lấy sức hành quân diệt thù". Có anh hóm hỉnh tìm mẩu than viết lên giấy, gửi về đội hậu cần để trả nghĩa: "Nghĩa tình cơm nắm chấm gio/ Quyết tâm chiến đấu, giật cờ thi đua".

Điểm qua một số truyện ngắn tiêu biểu, có thể thấy Phạm Vân Anh có năng lực tiết chế ngôn ngữ. Đối với người viết truyện ngắn, đó là một thứ “vũ khí” hết sức lợi hại. Càng tiết chế bao nhiêu, truyện càng hàm súc bấy nhiêu và ngược lại. Đây là tập truyện ngắn đầu tiên của Phạm Vân Anh, nhưng tác giả đã tỏ ra có ý thức trong nghệ thuật “nén chữ”.

Có thể nói, dù khởi điểm là một nhà thơ, song ở thể loại truyện ngắn, Phạm Vân Anh không để lại những khoảng trống về cảm xúc thẩm mỹ, đó là thành công rất đáng ghi nhận của nữ nhà văn. Mặc dù không phải truyện nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn của chính tác giả cũng như công chúng, song truyện ngắn của chị, với những góc nhìn đầy nhạy cảm và cách tả đầy chất thơ... đã góp thêm một gương mặt mới, một tâm thế mới trong thể loại truyện ngắn. Vì thế, chúng ta có quyền hy vọng vào nhiều thành công mới trong những văn phẩm tương lai của chị.

Nhà lý luận phê bình văn học ĐỖ NGỌC YÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.