Là một người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường, nhà văn Lê Hoài Nam luôn trăn trở, day dứt với thân phận người lính từ thời chiến đến thời bình. Ký ức dữ dội về thời tuổi trẻ chiến đấu gian khổ, ám ảnh bởi sự hy sinh của đồng đội đã thúc giục ông viết nên những trang hiện thực sinh động. Hai tập tiểu thuyết “Thanh xuân như cỏ” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2024) đã tái hiện cuộc hành quân của đại đội pháo phòng không qua nhiều vùng giáp ranh hoang tàn vết tích: “Tiếp tục hành quân Nam tiến. Từ Quảng Bình trở vào đâu đâu cũng thấy hố bom, hố đạn, pháo. Tới Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Đường 9… xác xe tăng, xe tải, xe kéo pháo nằm ngổn ngang, nhiều xe đã hoen gỉ, cỏ dại phủ kín. Những ngôi nhà bị thiêu cháy, còn trơ lại những cây cột, cái kèo đen thui. Làng mạc hoang vắng, phong cảnh tiêu điều, thỉnh thoảng mới nhìn thấy một bóng người dân trông héo hắt, lam lũ bước vội”.
 |
Bìa Tiểu thuyết “Thanh xuân như cỏ” Quyển 1 của tác giả Lê Hoài Nam.
|
Nguyễn Tiến Lợi - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết phải giã từ tình yêu đẹp với người yêu Nguyễn Thị Sự để lên đường chiến đấu. Họ đành phải rời xa nhau, mỗi người một phương trời. Nhưng rồi bi kịch chiến tranh vĩnh viễn cướp đi mạng sống của Sự, Nguyễn Tiến Lợi phải vùi chôn đi nước mắt cá nhân để tiếp tục chiến đấu. Đây chính xác là thời đại của những người bình thường bị xô vào biến động khổng lồ của thời cuộc. Đằng sau hào quang chiến thắng là những hy sinh cá nhân chân thật, xát muối. Nhà văn Lê Hoài Nam nhìn thẳng vào sự thật mắt thấy tai nghe để viết lời tri ân cho đồng đội cũng như khẳng định cái giá phải trả cho hòa bình gửi đến thế hệ mai sau.
Cuốn sách mô tả kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ của cuộc chiến cam go. Trước mỗi chặng hành quân, người chỉ huy đại đội dặn dò kỹ lưỡng chiến sĩ, bởi lẽ chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng khiến cả đại đội rơi vào nguy hiểm: “Để giữ được bí mật tuyệt đối, xe pháo phải ngụy trang thật khéo, thật kỹ. Khi nấu ăn phải đào bếp Hoàng Cầm. Nếu cành cây chưa khô, khói lên nhiều phải dùng quạt phất mạnh cho khói tan loãng ra. Quần áo có màu trắng tuyệt đối không được phơi ra chỗ quang đãng. Trường hợp xấu nhất nếu bị lộ, các lái xe tùy nghi di tản vào rừng. Không tập trung một chỗ. Giữa xe pháo này với xe pháo kia càng cách xa nhau càng tốt. Tuyệt đối không được nổ súng khi chưa có lệnh”.
Cuộc chiến đấu đâu bằng phẳng dễ dàng, mà phải trải qua nhiều thử thách, khổ nhọc. Đại đội khi hành quân đi qua bản người Khmer phải mở con đường mới dài 7km giáp ranh giữa Campuchia và nước ta, qua một số chỗ đất sình lầy, phải chặt gỗ, đảm bảo mỗi cọc có chiều dài 4 mét, đóng ken thật dày những chiếc cọc đó qua vùng sình lầy, chỗ đất cao phải chặt hạ hết cây, đào cả gốc lên, san lấp cho phẳng, nện cho chắc. Khó khăn chồng chất khó khăn, “có chỗ sâu quá đầu gối, lính tráng lội bì bõm vác cây đóng cọc. Có chỗ bùn dẻo quánh không rút được chân lên, tay cố bám vào cây cỏ lấy đồ, nếu bụi cây bị bật gốc thì sẽ bị ngã ngồi ngã ngửa, bùn hoa nhấn chìm lút cả đầu.
Chiến trường là lãnh địa của tử thần, nhiều chiến sĩ hy sinh mạng sống khi hòa bình đã cận kề. Trận đánh đầu tiên, máy bay địch ra sức dội bom vào đại đội. Sức ép của bom pháo bóp nát con người, những tiếng nổ dây chuyền cứ ục ục ầm ầm, ngực tức như bị đấm, hai tai rỉ máu; máu mồm máu mũi cũng rỉ ra. “Lợi nhắm mắt lại, bụng nghĩ, phen này thì mình chết thật rồi. Lợi không còn nhớ trận pháo kích khủng khiếp này diễn ra trong bao lâu”. Sau trận bom, các pháo thủ lóp ngóp bò ra khỏi hầm như từ địa ngục ngoi lên, mắt nhìn ngơ ngáo, ọe ra toàn máu. 3 chiến sĩ Từ, Hòa, Trọng điều hành radar đã hy sinh ngay trên xe đặc chủng. “Lợi ôm xác Trọng đầy máu me, đen thui khóc nấc lên”.
Cuốn tiểu thuyết cũng mô tả kỹ trận đánh “nở hoa trong lòng địch” của các chiến sĩ đặc công. Trận đánh cuối cùng tại Dinh Độc Lập kết thúc trong tiếng reo hò của người dân, không còn nghe tiếng súng, dòng người ngược xuôi trên các ngả đường ăn mừng chiến thắng. Chiến tranh kết thúc, Đại đội trưởng Nguyễn Thắng Sai ra lệnh cởi trói cho 6 tên tàn quân, đã không có một cuộc trả thù nào xảy ra. Lời nói của Chính trị viên Ngô Minh Tâm với những người bên kia chiến tuyến cũng đã trở thành chân lý về xu thế của dân tộc: Phải lấy hòa hiếu, hòa hợp, hòa giải để ứng xử, để cùng tồn tại trong thời đại mới: “Bây giờ miền Nam đã giải phóng, quân đội Sài Gòn đã thua. Quân đội của Bác Hồ đã chiến thắng. Chúng ta là con của một nước, cùng máu đỏ da vàng (...) tha cho các em về với gia đình, không được có những hành động chống phá nữa, nhớ chưa?” (tr.156).
Còn nhiều nữa các mẩu chuyện ám ảnh mà nhà văn Lê Hoài Nam đan cài khéo léo vào tác phẩm. Đọc tiểu thuyết “Thanh xuân như cỏ”, độc giả có thêm góc nhìn đa chiều, toàn vẹn, đủ đầy hơn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, giúp thế hệ sau trân trọng hòa bình mà ông cha ta đã góp máu xương để giành được.
QUỲNH ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.