Những dự định, ấp ủ gần gũi đó của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc sinh thời đã thành hiện thực khi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Hành trình vì hòa bình”. Cuốn sách là dòng hồi ức chứa đựng cảm xúc bất tận về hành trình kết nối vì hòa bình, lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên những vùng đất xa xôi ngoài lãnh thổ Việt Nam.  

“Hành trình vì hòa bình” của tác giả Nguyễn Chí Vịnh có kết cấu 6 chương tương đối chặt chẽ và hoàn chỉnh. Chỉ cần điểm qua tên các chương viết, người đọc đã có thể hình dung được hành trình cảm xúc trọn vẹn và đầy đủ nhất về lực lượng “mũ nồi xanh” mà tác giả gợi nhắc đến. Đó là các chương: Dò đường; Chuẩn bị và lên đường; Chuyện kể từ châu Phi; Nhìn lại và suy ngẫm; Hành trình tiếp nối; Cảm xúc.

Là người trực tiếp được giao nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các giải pháp và triển khai lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhiều thông tin và hiểu sâu sắc những câu chuyện trong cuộc. Cũng vì vậy, ở cuốn sách, người đọc sẽ được nhận thấy nhiều góc cạnh khác nhau về hành trình nhân văn và ý nghĩa này.

Bìa cuốn sách. 

Đó có thể là câu chuyện cội nguồn tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ hòa bình và tham gia các sứ mệnh nhân đạo quốc tế; là mệnh lệnh dứt khoát: “Xem lại cho tôi vấn đề gìn giữ hòa bình” của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập lực lượng; hay còn là việc tại sao Nam Sudan được chọn là quốc gia đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình...

Trong “Hành trình vì hòa bình”, cũng như cách kể ở cuốn sách “Người thầy”, tác giả Nguyễn Chí Vịnh sử dụng lối trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng khi mọi tình tiết, sự kiện đều được kể nhất quán từ người kể chuyện xưng "tôi". Cuốn hút nhất trong tác phẩm, phải kể đến những câu chuyện kể từ châu Phi.

Đó là vùng đất Nam Sudan non trẻ và đầy rẫy bất ổn, khi mới đến, tác giả chỉ thấy: “Những gam màu ảm đạm: Màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò”. Sau khi lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam xuất hiện, nhiều chuyển biến tích cực đã đến với đất nước này. Những vườn bí ngô, đỗ đen, đỗ xanh phủ màu tươi mới cho mảnh đất cỗi cằn; ánh đèn nhỏ nhoi xuất hiện thắp nên luồng sinh khí mới cho người dân; các chiến sĩ “mũ nồi xanh” trực tiếp đứng lớp, trở thành giáo viên kiêm nhiệm lúc nào không hay...

Còn nhiều nữa những câu chuyện đặc biệt và xúc động về lòng can đảm, tình nhân ái, tinh thần nhân văn, ý chí kiên cường của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” tại châu Phi xa xôi. Ở chiều ngược lại, người dân châu Phi cũng đã bao bọc, bảo vệ và cung cấp nhiều thông tin quý báu cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cuốn sách “Hành trình vì hòa bình” đã kể lại những câu chuyện mang xúc cảm đặc biệt, mang đến cảm hứng, khát khao cống hiến cho thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là người trẻ trong quân ngũ. Như lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về cuốn sách: “Những câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh quên mình vì mục tiêu cao cả của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến của những thế hệ tương lai”.

NGUYÊN ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.