Cuốn sách “Những điều còn lại” có kết cấu 5 phần khá dung dị. Mỗi phần của cuốn sách mang đến những góc cạnh tiếp cận khác nhau trong dấu ấn cuộc đời của tác giả Phùng Khắc Đăng. Như phần “Quê hương, gia đình”, “Những điều còn lại”, người đọc có thể tiếp cận những mẩu chuyện nhỏ mà sâu nặng ân tình. Phần tập hợp các bài nghiên cứu, người đọc lại thấy được tri thức sâu sắc trong ông. Đến phần đồng đội viết về ông, chân dung vị tướng nghĩa tình dường như đã được khắc hoạ một cách trọn vẹn nhất.
 |
Bìa cuốn sách. |
Không cần gợi nhắc xa xôi, những dòng chữ đầu tiên của cuốn sách đưa người đọc về vùng quê Thạch Thất nên thơ, trải đôi bờ trung lưu sông Tích: “Bên hữu ngạn đồi gò khô cạn, vẫn xanh tươi nương sắn, vườn chè; bên tả ngạn ruộng mật phù sa lúa mượt mà, thơm hương đồng gió nội”. Ở vùng đất danh thơm trù phú và văn hiến ấy, chàng thanh niên trẻ Phùng Khắc Đăng đã được nuôi dưỡng tâm hồn sáng trong, tinh thần hiếu học miệt mài và ý chí vươn xa đến những nơi rộng dài của đất nước.
Bước vào môi trường quân ngũ, đồng chí Phùng Khắc Đăng đã làm theo lời cha căn dặn: “Vàng dù được chọn là mười/ Vẫn cần thử lửa thêm tươi mặt vàng”. Mỗi câu chữ trong cuốn sách, mỗi câu chuyện được kể lại nơi nóng bỏng thuốc súng chiến trường, người đọc luôn nhận thấy hình ảnh chiến sĩ Phùng Khắc Đăng xông xáo, nhanh nhẹn, quả cảm và hết lòng quan tâm, gần gũi với đồng đội. Ông kể, có những khi chỉ huy một tiểu đoàn làm mồi nhử cho địch giội bom để chia lửa với đơn vị bạn: “Nhiệm vụ thật sự nguy hiểm. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, anh em phải đối mặt với tử thần. Nam, chiến sĩ vô tuyến điện, nhận một bức điện xong thì nhìn tôi rơm rớm nước mắt”. Những người lính nơi chiến trận đã chia sẻ với nhau từng phút lành lặn, yên bình giữa khói lửa chiến trường như thế.
Trong cuốn sách, người đọc còn được tiếp cận những mẩu chuyện dẫu nhỏ thôi nhưng đọng lại bao điều lớn lao về sự thử thách, rèn luyện bản lĩnh người quân nhân cách mạng. Nơi đó, tác giả của cuốn sách kể câu chuyện mà ông đã dốc lòng mình để vun vén, chăm lo những điều tốt đẹp nhất cho Quân đội, cho đất nước. Ví như khi xảy ra biến động chính trị tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, trên cương vị là Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị, đồng chí Phùng Khắc Đăng đã có tâm sự gần gũi mà thấu tình đạt lý, giúp những cán bộ chính trị tương lai của Quân đội ta có thêm bản lĩnh, vững tâm vào con đường cách mạng: “Đất của ta, trời của ta, nên ta luyện đôi chân khỏe để đứng vững, tự đi trên dải đất hình chữ S này thì chẳng ai làm gì được ta. Mặt khác, cái đầu cũng quan trọng, vấn đề là các đồng chí mang kiến thức đã học để biến nó thành niềm tin, ý thức chính trị và cao hơn là bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, nếu làm được như vậy chắc chắn sẽ vượt qua”.
Còn nhiều nữa những câu chuyện mà Trung tướng Phùng Khắc Đăng kể với bạn đọc về hành trình ông đã đi qua. Từ dấu ấn công tác nơi cơ quan chiến lược Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đến những nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, quê hương, gia đình, dòng họ... Đó là những lát cắt mộc mạc, gần gũi mà chứa đựng biết bao tình cảm chân thành. Quả đúng như lời nhận xét thân tình của Đại tướng Phạm Văn Trà: “Cuốn sách có nhiều mẩu chuyện đáng đọc, là những bài học quý, nhân văn sâu sắc”.
NGUYÊN ĐỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.