Viết về những người lính tình nguyện Việt Nam trên xứ sở bạch dương, một lần nữa nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn thể hiện tài năng hư cấu ở khả năng bao quát lẫn dựng lên câu chuyện chi tiết hấp dẫn.

Gần đây, mỗi lần đọc tiểu thuyết, tôi hay nghĩ đến câu đề từ trong “Chuông nguyện hồn ai” của văn hào Mỹ, giải Nobel văn học năm 1954 Ernest Hemingway: “Đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông đang nguyện chính hồn anh đó”. Một câu đề từ phản ánh về thân phận mong manh của con người. Thân phận con người là điều mà văn học luôn hướng đến vì suy cho cùng văn học là nhân học. Có lẽ từ quan niệm chung đó, mỗi nền văn học, mỗi thể loại lại phát triển theo những hướng khác nhau.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn tiểu thuyết “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.  

Trong nền tiểu thuyết Việt Nam, với những tiểu thuyết tạm gọi thuộc đề tài “dân sự”, cái mong manh của phận người sẽ được khai thác theo chiều hướng đổ vỡ, những “chấn thương tinh thần” của con người cá nhân trong xã hội công nghệ hiện đại mà vô cảm. Ở chiều hướng ngược lại, cái mong manh phận người ấy lại được các nhà viết tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng dùng để tôn vinh sự bất tử của những người cầm súng bảo vệ đất nước, hoặc - ở một trường hợp khác - là bảo vệ công lý, bảo vệ nền hòa bình thế giới như “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của Đoàn Tuấn.

Trước nay, Đoàn Tuấn chỉ viết về người lính Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Nhưng đến tác phẩm này, ông đã đi vào một đề tài khó hơn: Hình ảnh người cách mạng Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở nước Nga. Câu chuyện được bắt đầu từ một chuyến nghỉ hè về Việt Nam của cậu sinh viên Minh Khôi đang học tại Bỉ. Một người bạn thân bác của Khôi nhờ tìm mộ người thân đã mất trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Công việc tìm mộ ấy dần dần cuốn hút Khôi.

Chàng trai trẻ chấp nhận làm gia sư, xây dựng, phục vụ tại cửa hàng, hướng dẫn viên du lịch... bất cứ nghề nào giúp mình tồn tại ở nước Nga để tiếp tục tìm kiếm tư liệu về cuộc đời và sự hy sinh anh dũng của 6 người lính Việt Nam trong đội hình hồng quân chống phát xít.

Từ đây, mạch truyện tiếp tục được mở rộng. Trên hành trình tri ân tìm mộ liệt sĩ ấy, Minh Khôi đã có những cuộc “ngược dòng lịch sử” tìm về hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về hoạt động của Trường Đại học Phương Đông, về những người dân Việt Nam tìm đường đến với cách mạng, về xã hội, đời sống người Nga trong những năm chống phát xít lịch sử, xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp... Cứ thế, từ một câu chuyện cụ thể, bằng cấu trúc “vết dầu loang”, Đoàn Tuấn đã mở ra cả không gian rộng lớn trải dài từ trong nước đến thế giới, từ quá khứ nô lệ đen tối đến hòa bình hôm nay.

Hành trình tìm kiếm đi từ thụ động đến chủ động, từ tò mò đến cảm phục của Minh Khôi toát lên chân lý thiêng liêng: Những cống hiến, hy sinh của nhân dân Việt Nam nói chung, người lính Việt Nam nói riêng cho công cuộc giải phóng đất nước và nhân loại sẽ không bao giờ và không thể bị lãng quên.

Những người dân, người lính Việt Nam “Đã sống giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra đất nước” như lời thơ Nguyễn Khoa Điềm chính là những huyền thoại bình dị giữa đời thường. Và hành trình ấy cũng phản ánh niềm tin của tác giả vào thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại. Dù trong hoàn cảnh nào, “dòng máu Lạc Hồng” vẫn mãi chảy trong huyết quản những thanh niên gen Z, gen X, gen Y... Với những trí thức trẻ như Minh Khôi, tương lai của đất nước hiện màu xán lạn. Đấy là điều quan trọng hơn cả.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.