Ngày xưa, nhiều nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn cố xin cho con được đến cửa thầy để học chữ. Người thầy không chỉ học tài, hiểu rộng mà còn được kính trọng bởi đạo đức, phẩm cách. Ngày nay, tuy sự học đã có nhiều thay đổi nhưng tinh thần cốt lõi ấy vẫn được tiếp nối. Và đó đây ta vẫn được nghe những câu chuyện cảm động về đức hy sinh, về những tình cảm mà người thầy dành cho học trò của mình.

Trang bìa cuốn sách. 

Hiếm có một cuốn sách nào được dành để viết trọn vẹn về thầy, cô giáo như cuốn tản văn "Nghề vương bụi phấn" (Nhà xuất bản Văn học). Cuốn sách mở đầu bằng những dòng tâm sự đầy cảm xúc và lắng đọng của tác giả-kỹ sư Nguyễn Huy Du. Mười hai tản văn là mười hai câu chuyện kể về những người thầy, người cô đáng kính, trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ luôn sáng lên vẻ đẹp của phẩm cách người giáo viên.

Thật xúc động khi gặp hình ảnh người thầy ngày ngày đến lớp trên chiếc xe đạp cũ, trên xe chở theo cậu học trò nghèo hiếu học. Cậu bé đã tin rằng, đó không chỉ là con đường đến lớp mà còn là con đường đi tới tương lai. Những đứa trẻ miền núi sẽ không bao giờ quên được hơi ấm yêu thương từ những chiếc áo, chiếc khăn mà các cô giáo cắm bản đã dành cho chúng trong mùa đông buốt giá.

Thậm chí, có những bé gái đã thay đổi được số phận khi nhờ có cô giáo mà chúng được đến trường, được đi xa với ước mơ thay vì phải ở nhà lấy chồng ở lứa tuổi thiếu nữ. Tác giả Nguyễn Huy Du cũng khai thác cả câu chuyện về tình thầy trò thời 4.0, đó là những lớp học online, đó là sự hiểu lầm của những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu, vì sự nông nổi đã hiểu lầm cô giáo của mình, nhưng chính tấm lòng vị tha, cao thượng của cô đã hóa giải tất cả...

Đó không chỉ là những thầy cô giáo của riêng tác giả, mà ở bất cứ đâu trên đất nước này, chúng ta đều có thể nghe, có thể gặp họ, những nhà giáo gắn bó, tâm huyết và hết mình với sự nghiệp trồng người cao quý. Điều đặc biệt là, mỗi câu chuyện kể về một người thầy, người cô khác nhau, trong những thời gian và bối cảnh khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở chỗ, đó đều là những người truyền cảm hứng lớn lao cho học trò.

Có một câu nói rất hay là: “Một người thầy bình thường sẽ chỉ nói, một người thầy giỏi sẽ giải thích, một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói, còn người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng”. "Nghề vương bụi phấn" vương vấn bạn đọc bởi cuốn sách gợi cho chúng ta liên tưởng đến chính thầy giáo, cô giáo của mình. Ai trong đời chẳng có một người thầy, người cô đáng kính đã ảnh hưởng sâu sắc đến ước mơ, tương lai và cuộc đời mình.

Với văn phong giản dị, lôi cuốn, súc tích và đầy chất thơ, tác giả Nguyễn Huy Du đã khắc họa nên hình tượng những người thầy, người cô một cách chân thực và xúc động. Bạn đọc sẽ không thể quên câu chuyện về chiếc bảng chia 5 phần ở lớp học trên đảo xa. Bởi trong lớp học ấy là học sinh thuộc mọi lứa tuổi. Người thầy trên đảo đã trở thành người cha, người anh, người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của những đứa trẻ giữa trời nước mênh mang.

Bên cạnh giọng văn mượt mà, trữ tình thì "Nghề vương bụi phấn" còn gây ấn tượng bởi cách kể lôi cuốn với những tình tiết như truyện ngắn. Ở mỗi câu chuyện đều có độ nén và bung nhất định trong cả cảm xúc và ngôn ngữ. Tiêu biểu trong đó phải kể đến câu chuyện người học trò trong một cuộc kiếm tìm thầy giáo của mình qua mạng xã hội mới hay tin thầy đã ra đi mãi mãi vì cứu cô học trò bị lũ cuốn...

Sự hy sinh thầm lặng của người thầy được ghi nhận bằng sự trưởng thành của học trò. Có lẽ, không một nghề nào lại ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, nhân cách, đạo đức con người như nghề nhà giáo. Đó là vinh quang nhưng cũng là hành trình đầy nhọc nhằn, gian khó. "Nghề vương bụi phấn" đã để lại những dư âm đẹp trong lòng mỗi chúng ta.

KIM NHUNG