Cuốn sách được hình thành từ hồi ức của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các thành viên trong gia đình Đại tướng, kết hợp sưu tầm, biên soạn nội dung từ nhiều bộ tư liệu, bài viết, với tâm nguyện chung trong việc gìn giữ ký ức và giá trị trân quý, không thể mờ phai về vị tướng tài ba của dân tộc.

Bìa cuốn sách. 

 

Cuốn sách “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” có kết cấu gồm 10 phần. Mỗi phần lại chứa đựng những câu chuyện được sưu tầm, biên soạn từ nhiều tư liệu quý về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được sắp xếp logic theo diễn tiến thời gian, trên các lĩnh vực công tác và trong cuộc sống đời thường của ông.

Mở đầu cuốn sách, người đọc như được về với sông Bồ chảy qua làng Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nơi đây là mạch nguồn sống cho nhiều thế hệ người dân hiền lành, chất phác trong lao động nhưng kiên trung, bất khuất trong chiến đấu. Bên dòng sông Bồ, câu chuyện về người thanh niên Nguyễn Vịnh (tên khai sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở cách mạng mạnh mẽ ở Thừa Thiên Huế như những lớp sóng nước chảy trôi quật cường. Cũng ở nơi đây, nhiều bài học cách mạng đã được Nguyễn Chí Thanh gây dựng và trở thành phong trào đấu tranh nơi Bình-Trị-Thiên khói lửa, như: “Không được bỏ dân mà chạy đi nơi khác. Phải bám dân mà tổ chức lại phong trào”; “Không được chôn súng, còn người là còn súng, còn dân là còn cách mạng”...

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và để lại dấu ấn lớn lao nên còn được gọi là “Vị tướng phong trào”. Những câu chuyện “Cấy lúa thi”, “Đại tướng và Gió Đại Phong”, “Đại tướng phá xiềng 3 sào”... cho người đọc thấy hình ảnh đặc biệt nơi vị tướng của nhân dân. Riêng với hoạt động văn nghệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho văn nghệ sĩ. Như năm 1948, ông đã kể cho nhà thơ Minh Huệ nghe những kỷ niệm về Bác Hồ và nhắn nhủ nhà thơ: “Thơ về Bác hãy còn ít. Ở Bình-Trị-Thiên, ngoài những bài thơ của Tố Hữu ra, mình chưa nghe thêm được bài nào của các nhà thơ khác. Còn những sáng tác của quần chúng như ca dao, hò, vè truyền miệng về Bác thì có. Và mình đã nghe. Nhiều câu, nhiều ý cảm động lắm. Cậu chú ý sưu tầm, tập hợp để tham khảo. Mình nghĩ rằng điều đó cũng bổ ích cho cậu”.

Phút giây bình dị, lắng đọng nhất của cuốn sách chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với gia đình. Dù bận rộn với công việc chung, Đại tướng vẫn dành sự quan tâm, yêu mến cho gia đình: “Ba gửi cam về cho mẹ con và ba con đây nhé!”. Ông cũng luôn rèn giũa các con thêm cứng cỏi, không dựa dẫm: “Vừa rồi đã nhận được thư của Cúc nói cu Vịnh không có chỗ học ở mẫu giáo. Nhưng không sao, vì Vịnh còn nhỏ nên học chậm một ít thì cũng không có gì, mà lại càng tốt, để cho nó có đầu óc tiếp thu khá đã rồi hẵng học cũng hay”. Mỗi câu chuyện được kể là một bổ khuyết đầy thú vị về hình ảnh người chồng, người cha Nguyễn Chí Thanh rất bình dị, khoan hòa.   

Gấp lại cuốn sách “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, người đọc sẽ cảm nhận được chân dung khá toàn vẹn và đầy đủ về vị tướng tài ba. Qua đó, chúng ta thêm tự hào và thể hiện trách nhiệm với công lao của người đi trước. Cố Thượng tướng, GS, TS Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ: “Cuốn sách không nhằm tô vẽ hình ảnh của ông, mà làm ra với mong muốn độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ, có thêm một góc nhìn khác, chân thực và gần gũi hơn về những con người thuộc thời đại Hồ Chí Minh”.

NGUYÊN ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.