Các nền văn học lớn trên thế giới đều là những nền văn học có nhiều tên tuổi lớn ở cả hai dòng văn học kể trên. Văn học Trung Quốc bên cạnh những tác giả lớn như Lỗ Tấn, Mạc Ngôn, Lý Nhuệ... còn có Kim Dung, Ôn Thụy An, Ngọa Long Sinh... hết sức nổi tiếng với tiểu thuyết kiếm hiệp. Văn học Anh ngoài các cây đại thụ William Shakespeare, Charles Dickens... với "Hamlet", "Othenlo", "Oliver Twist"... thì còn có Conan Doyle, J.K.Rowling... với các bộ tiểu thuyết "Sherlock Holmes", "Harry Potter"... lừng danh làm nức lòng người đọc trên toàn thế giới. Văn học Mỹ chinh phục nhiều thế hệ, đối tượng bạn đọc bằng những kiệt tác của Ernest Hemingway, Jack London... và bằng cả "Bố già" của Mario Puzo, "Mật mã Da Vinci", "Pháo đài số" của Dan Brown... Như vậy, có thể thấy văn học giải trí là một giá trị độc lập, có sức hấp dẫn riêng, bạn đọc riêng và con đường phát triển riêng.
 |
Tiểu thuyết trinh thám kinh dị "Trại hoa đỏ" của nhà văn Di Li đã tái bản lần thứ 4.Ảnh: NXB Công an nhân dân |
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, dòng văn học giải trí cũng hết sức phát triển. Bên cạnh những tác phẩm văn học giải trí của nước ngoài được dịch và xuất bản ồ ạt thì nền văn học giải trí nước nhà cũng chứng kiến số lượng lớn tác phẩm của những tác giả Việt. Đội ngũ sáng tác dòng văn học này ngày một đông đảo, đa phần là những cây bút không chuyên. Họ làm nhiều công việc khác nhau nhưng có năng khiếu viết lách, say mê sáng tác nên cầm bút viết lách cho vui. Mặt khác, một số cây bút có đầu óc kinh doanh nhạy bén, nhận thấy việc kiếm tiền bằng nghề viết lách trên không gian mạng mang lại thu nhập ổn định và cao (có những tác giả đã thu về hàng trăm triệu đồng từ việc đăng truyện trên mạng) nên tích cực tham gia sáng tác. Sân chơi văn học giải trí về cơ bản không được giới cầm bút tinh hoa ngó ngàng, để ý tới.
Văn học giải trí phát triển rất nhanh trên không gian mạng. Hầu hết những sáng tác thuộc dòng văn học này đều được đăng trên các trang web văn học (cả miễn phí lẫn thu phí) dưới dạng từng chương, có thời gian đăng (cập nhật) cụ thể. Những tác phẩm có nhiều lượt bạn đọc, được nhận xét, phản hồi tốt thường sẽ được xuất bản thành sách giấy. Về thể loại, những sáng tác thuộc dòng văn học này chủ yếu thuộc hai thể loại kiếm hiệp và ngôn tình, chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là những tác phẩm do người Việt tự sáng tác và thứ hai là những tác phẩm được người Việt cải biên (viết lại) có “thêm thắt”, “đẽo gọi” theo ý mình dựa trên nguyên tác.
Đúng như tên gọi, chức năng chính của dòng văn học này là mang tính giải trí, giúp bạn đọc có những phút giây thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, bên cạnh chức năng chủ đạo ấy, văn học giải trí nước nhà còn đóng góp một vài nhiệm vụ lớn mà ít người ngờ tới. Văn học giải trí góp phần tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhiều tác phẩm kiếm hiệp được các tác giả Việt sáng tác với tinh thần “Việt có tinh thần Đại Việt”. Những vị thần, thánh, tiên trong thần thoại, truyền thuyết Việt; những anh hùng, những nhân vật có công với đất nước trong lịch sử dân tộc khi xuất hiện trong một “hình thức mới”, “diện mạo mới” với những màn hiển uy phép thuật “huyền ảo khôn lường”, những trận chiến đấu “trời long đất lở” có sức hấp dẫn rất lớn (so với những bài giảng khô khan trong sách giáo khoa) đến người đọc trẻ tuổi. Mặt khác, khi thị trường văn học giải trí nước nhà đang chịu sự chi phối, áp đảo từ các nền văn học giải trí lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản... thì những tác phẩm giải trí Việt được viết bởi người Việt, ngợi ca, tôn vinh đất nước-dân tộc-con người Việt còn có tác dụng giúp ngành văn hóa nước nhà chống lại tình trạng “xâm lăng văn hóa” đáng báo động hiện nay.
Mặc dù có những ưu điểm, đóng góp nhất định cho nền văn học và rộng hơn là văn hóa nước nhà, nhưng văn học giải trí nước ta vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Một số tác giả chạy theo việc đáp ứng thị hiếu (thấp, không lành mạnh) của một bộ phận độc giả đã sa vào những chiêu trò câu khách “rẻ tiền” tạo nên những tác phẩm nhớp nhúa, dung tục. Thậm chí một số tác phẩm còn cổ xúy cho lối sống bản năng, bạo lực, trái luân thường đạo lý. Đáng tiếc, những tác phẩm như vậy vẫn xuất hiện (và có xu hướng gia tăng) trên không gian mạng mà chưa thấy có sự can thiệp từ phía các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều tác giả vì chạy theo tiến độ ra chương nên viết nhanh, viết vội, viết ẩu. Câu cú, chữ nghĩa... nhiều chỗ “còn chưa sạch nước cản”, cốt truyện sơ sài, giản lược, nhiều yếu tố vay mượn của tác giả nước ngoài, đoạn sau mâu thuẫn với đoạn trước, nhân vật được khắc họa mờ nhạt, không sinh động... Một số tác giả chủ động kéo dài truyện lê thê, vô lí nhằm thu tiền đọc nhiều hơn...
Trong tương lai, nếu không chuyển mình, thay đổi, điều chỉnh mạnh mẽ, nền văn học giải trí nước nhà sẽ khó tạo ra tác phẩm đỉnh cao, có thể đặt cạnh những tác phẩm hàn lâm, đưa vào giảng dạy trong nhà trường, vẫn phải chịu cái nhìn thiên kiến, dè dặt của xã hội như hiện tại.
TS ĐOÀN MINH TÂM