Mới đây, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phát hành cuốn sách “Hồ Chí Minh mạch nguồn và ánh sáng”, tuyển tập những bài nghiên cứu và tham luận khoa học của tác giả trong những năm gần đây.
Cuốn sách “Hồ Chí Minh mạch nguồn và ánh sáng” (2021) làm dày thêm bộ sưu tập sách chuyên luận viết về Bác của PGS, TS Nguyễn Thanh Tú. Trước đó, tác giả từng xuất bản các cuốn: “Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh” (2011); “Hồ Chí Minh-Những mạch nguồn văn hóa” (2 tập, 2012, 2013); “Hồ Chí Minh-Nhà ngụ ngôn kiệt xuất” (2013); “Hồ Chí Minh-Một tâm hồn nghệ sĩ” (2015); “Hồ Chí Minh-Phạm trù mỹ học cái cao cả” (2019).
 |
Bìa cuốn sách “Hồ Chí Minh mạch nguồn và ánh sáng”. |
Sở dĩ Nguyễn Thanh Tú đam mê nghiên cứu Hồ Chí Minh bởi theo tác giả: “Chủ tịch Hồ Chí Minh-cây đại thụ văn hóa cường tráng, lực lưỡng có 3 chùm rễ rất khỏe miệt mài hút dưỡng chất tinh hoa truyền thống từ 3 mảnh đất văn hóa của dân tộc Việt Nam, của phương Đông và phương Tây. Cành lá xum xuê của cây đại thụ ấy luôn vươn cao vào bầu trời tư tưởng thời đại quang hợp ánh sáng trí tuệ, nhân văn, ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa Mác-Lênin nên luôn xanh mát, tươi mới”.
Dưới góc độ nghiên cứu của một nhà lý luận phê bình văn học, Nguyễn Thanh Tú có điều kiện đi sâu tìm hiểu nhiều vẻ đẹp mới lạ, độc đáo, sâu sắc về các khía cạnh đặc biệt trong cấu trúc nhân cách Hồ Chí Minh. Theo tác giả, vẻ đẹp của Hồ Chí Minh không chỉ hội tụ ở nhiều phương diện của nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà báo mà còn thể hiện ở một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Điều này được tác giả khắc họa đậm nét trong các bài như: “Hồ Chí Minh và một quan niệm mỹ học về cái đẹp”; “Hồ Chí Minh thống nhất nghệ sĩ-chiến sĩ”; “Bác Hồ tập cổ, lẩy Kiều”; “Hồ Chí Minh và lý luận, phê bình văn học”...
Là danh nhân văn hóa, chính khách tầm cỡ của thế giới, Bác Hồ đã để lại tình cảm đặc biệt trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế bởi Người có một phong thái ứng xử rất đỗi giản dị mà tinh tế, gần gũi mà ấm áp; và đặc biệt Người có tâm hồn nhạy cảm, thể hiện ở 3 phương diện: Nhạy cảm với cái mới, nhạy cảm với nỗi đau của con người, nhạy cảm với cái đẹp. Không chỉ vậy, ở Bác còn thể hiện tâm hồn vui vẻ, lạc quan, hay đùa vui mà sâu thẳm cô đơn. Điều này được tác giả thông qua những câu chuyện cụ thể trong bài “Hồ Chí Minh-những tư chất nghệ sĩ” đã góp phần làm sáng rõ vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của Hồ Chí Minh. Theo nhận định của tác giả: “Nếu nghệ thuật là tổng hợp của chân-thiện-mỹ thì Bác Hồ là đỉnh cao nhất của nghệ thuật”.
Viết về Bác Hồ không dễ bởi đã có hàng nghìn cuốn sách, tác phẩm đề cập đến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện, khía cạnh, góc độ khác nhau. Nhưng nhờ có bề dày nghiên cứu về phê bình văn học, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú đã tìm lối đi riêng, cảm nhận riêng để làm sáng tỏ thêm, sâu sắc hơn chân dung con người Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn hóa, văn học, nghệ thuật. Vì vậy, các cuốn sách chuyên luận về Bác Hồ của tác giả, trong đó có cuốn “Hồ Chí Minh mạch nguồn và ánh sáng” đã góp thêm góc nhìn mới mẻ, sinh động về cuộc đời, trước tác, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó giúp thế hệ hôm nay và mai sau càng thêm trân quý đạo đức, tài năng và những cống hiến vĩ đại của người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam.
PHÚC NỘI