Trong cuốn sách, độc giả sẽ bắt gặp một Hà Nội đa sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc với sự rộng dài của không gian, sự sâu lắng của thời gian đã ngả màu ký ức, cho đến những câu chuyện thời sự gần gũi, thiết thân với người dân Thủ đô.

Điều dễ dàng nhận thấy trong cuốn sách là Hà Nội toát lên vẻ đẹp từ những nét bình dị, thân thương nhất. Đẹp từ những “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” đến các làng cổ ven Hồ Tây, làng xưa nay đã thành phố như xóm Trại, làng Cót với bao huyền tích mà chỉ cần nhắc đến địa danh thôi cũng đã gợi lên bao khắc khoải, nhớ nhung về một thời quá vãng.

Hà Nội cũng thật lạ kỳ và độc đáo với những chiếc xe đạp cũ kỹ, thô sơ nhưng lại “chở những mùa hoa tuyệt đẹp rong ruổi, len lỏi qua những đường lớn, ngõ nhỏ”. Để ai đó dẫu chỉ một lần bắt gặp cũng đủ ngẩn ngơ ánh nhìn, rồi thơ thẩn mơ về một ngày “thu về phố trong tháng tám có chút liêu trai phảng phất hương sen Hồ Tây trong tách trà ngõ nhỏ, hương hoa sữa chớm nụ chợt có chợt không chùng chình rơi xuống hè phố vắng”.

 Bìa cuốn sách.

Với những người hoài cổ, có thể tìm thấy trong “Chuyện người Hà Nội tập 3” những câu chuyện lý thú về con người, phố phường Thủ đô. Đó là tiếng chuông tàu điện leng keng từ đầu ô Cầu Dền đưa cậu bé đi qua những mong ước, đợi chờ trong “Theo mẹ đi chợ Đồng Xuân”, đến con đường nhỏ nối bãi chợ với phố Hàng Bông phơi đầy da tươi, dần dà gọi là phố và chợ Hàng Da trong “Nhớ chợ Hàng Da”... Còn nhiều lắm những câu chuyện về một Hà Nội đã xưa cũ chỉ còn tìm thấy dấu vết qua tên gọi tưởng chừng quen thuộc mà lại chẳng còn mối liên hệ nào với hiện thực nơi đây. Đôi khi, chính sự mơ màng ấy cũng tạo nên nét huyền hoặc, cổ điển của mảnh đất này.

Đi hết những mảnh ký ức phố phường, người đọc sẽ được gặp gỡ câu chuyện về những con người làm nên sức sống của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đó là bác sĩ Trần Văn Lai với câu chuyện “rung chuyển Hà thành” trong 30 ngày làm đốc lý khi quyết định “thay máu” cho hệ thống tên đường, tên phố ở Hà Nội bằng những tên gọi thuần Việt mà phần lớn được lưu giữ cho đến ngày nay. Cùng với đó còn là những tên tuổi nổi tiếng, được nhiều người mến mộ cả về tài năng và nhân cách như: Nhà thơ Thâm Tâm, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Khôi, nghệ sĩ Trần Thịnh, phi công Nguyễn Văn Phi...

Trong “Chuyện người Hà Nội tập 3”, ngoài những tên tuổi đã ghi dấu ấn trong các lĩnh vực, người đọc còn có thể bắt gặp nhiều câu chuyện về những tập thể người bình dị, không tên khác. Đó có thể là những người dân phố cổ với nếp sinh hoạt nối đời qua bao thế hệ, những cư dân trong khu tập thể chật chội mà gần gũi, đắm say. Tất cả là minh chứng cho thời kỳ của một Hà Nội khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn toát lên vẻ ung dung, thư thái đến kỳ lạ. Họ có thể là bất cứ ai, làm bất cứ công việc gì. Những con người bình dị đã hội tụ về mảnh đất lành mang tên Hà Nội để làm nên vóc dáng mới mẻ đan xen với nét thâm trầm nơi đây.

Đi đến những trang cuối của “Chuyện người Hà Nội tập 3”, người đọc vẫn cảm nhận rõ những yêu thương cháy bỏng với Hà Nội trong mỗi câu chữ. Có thể nói, Hà Nội đã mang đến cho mỗi người những điều thật gần gũi và diệu kỳ. Mỗi con đường, góc phố, hàng cây, mỗi sự kiện, con người đều trở thành kỷ niệm khó phai nhòa với những ai trót một lần gặp gỡ, để rồi lưu luyến mãi với mảnh đất này.  

NGUYÊN AN 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.